Trò chơi vương quyền – Đảo Sắt và Gia tộc Greyjoy

Trò chơi vương quyền – Đảo Sắt và Gia tộc Greyjoy

Tựa sách: Thế giới của Băng và Lửa (tựa gốc: The World of Ice & Fire)

Tác giả: George. R.R. Martin

Nhóm dịch: Bapstory.net

Kể từ ngày đó đến nay, những Lãnh Chúa Cướp Biển của Gia Tộc Greyjoy cai trị Quần Đảo Sắt trên Ngai Hải Thạch tại Pyke. Kể từ thời Thủy Quái Đỏ, chẳng còn ai có thể là một mối nguy thực sự đối với Bảy Vương Quốc hay Ngai Sắt, những cũng rất ít người được nhìn nhận là bề tôi trung thành và tận tụy của nhà vua. Vào những ngày xa xưa họ từng là những vị vua, và dù cho có cả một ngàn năm trôi qua cũng không thể xóa nhòa đi ký ức của họ về chiếc vương miện gỗ trôi.

Một ghi chép đầy đủ về những triều đại của họ có thể được tìm thấy trong cuốn Lịch Sử Đảo Sắt của Đại Học Sỹ Haereg. Cũng trong đó, các bạn có thể đọc về Dagon Greyjoy, Tên Cướp Cuối Cùng, kẻ dám cả gan dong thuyền đến quấy rầy bờ biển Westeros vào thời Aerys I Targaryen ngồi trên Ngai Sắt. Về Alton Greyjoy, Gã Ngốc Sùng Đạo, người tìm kiếm những vùng đất mới để chinh phục phía ngoài Ánh Sáng Cô Đơn. Về Torwyn Greyjoy, người đã tuyên thệ bằng máu với Thép Đắng, và rồi phản bội ông. Về Loron Greyjoy, Nhạc Công, và tình bạn vĩ đại những cũng bị thảm giữa ông với Desmond Mallister, một hiệp sỹ của những vùng đất xanh.

Gần cuối cuốn sách vĩ đại của Haereg, các bạn sẽ thấy Lãnh chúa Quellon Greyjoy, người thông thái nhất từng ngồi trên chiếc Ngai Hải Thạch kể từ thời Cuộc Chinh Phục của Aegon. Một người cao lớn, cao sáu feet rưỡi, người ta nói rằng ông khỏe như một con bò và nhanh nhẹn như một con mèo. Thời trẻ, ông là một chiến binh danh tiếng, chiến đấu với những tên cướp biển và bọn nô lệ tại vùng Biển Hạ. Là một bề tôi tận tụy của Ngai Sắt, ông đã dẫn một trăm chiến thuyền vòng qua phía nam Westeros trong Cuộc Chiến Những Vị Vua Chín Xu và đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến tại Stepstone.

Tuy nhiên, với cương vị một lãnh chúa, Quellon ưa thích đi theo con đường hòa bình hơn. Ông cấm cướp phá, trừ phi được ông cho phép. Ông gọi hàng chục học sỹ tới Quần Đảo Sắt, để đảm nhiệm những vai trò thầy thuốc và dạy học cho những đứa trẻ, tới cùng với họ là những con quạ, những đôi cánh đen của chúng gắn kết quần đảo với những vùng đất xanh hơn trước rất nhiều.

Chính Lãnh chúa Quellon là người đã thả tự do cho những nô lệ còn sót lại và liệt chế độ nô lệ vào dạng phi pháp trên toàn Quần Đảo Sắt (về điều này thì ông không hoàn toàn thành công). Và trong khi ông không lấy bất cứ bà vợ muối nào, ông vẫn cho phép những người khác được phép làm điều này nhưng đánh thuế họ rất nặng vì hành vi này. Quellon Greyjoy sinh chín đứa con với ba bà vợ. Người vợ đầu tiên và thứ hai là những bà vợ đá, kết hôn với ông theo nghi thức cổ xưa bởi những tu sĩ của Thần Chết Chìm, nhưng bà vợ cuối cùng của ông là một phụ nữ tới từ vùng đất xanh, một Nghệ Nhân Thổi Sáo của vùng Lâu Đài Pinkmaiden, thành hôn với ông trong tòa sảnh của cha cô ta bởi một thầy tu.

Bằng hành động này, cũng như nhiều điều khác nữa, Lãnh chúa Quellon đã quay lưng lại với truyền thống nội bộ lâu đời của dân đảo sắt, với hy vọng gây dựng nên những mối liên kết bền chặt hơn giữa vương quốc của chính mình với phần còn lại của bảy Vương Quốc. Quellon Greyjoy là một lãnh chúa quyền uy tới mức rất ít kẻ dám công khai phản đối ông, vì ông nổi tiếng là vô cũng kiên định, cứng nhắc và rất đáng sợ khi nổi cơn giận.

Quellon Greyjoy vẫn đang ngồi trên Ngai Hải Thạch khi Robert Baratheon, Eddard Stark, và Jon Arryn giương cờ tạo phản. Tuổi già chỉ làm gia tăng thêm bản tính thận trọng của ông, và khi những trận chiến nổ ra trên khắp những miền đất xanh, ông đã quyết định không tham gia vào cuộc chiến. Nhưng những người con trai của ông luôn luôn thèm khát chiến công và vinh quang, trong khi sức khỏe và quyền lực của ông ngày càng lụi tàn. Lãnh chúa thường bị làm phiền bởi những cơn đau bụng, bệnh tình đã nghiêm trọng tới mức ông phải uống một liều sữa anh túc mỗi tối để có thể ngủ được. Dù có như vậy, ông vẫn từ chối mọi lời cầu xin, cho tới khi một con quạ bay tới Pyke mang theo tin tức về cái chết của Hoàng Tử Rhaegar tại sông Trident. Tin tức này đã đoàn kết ba người con trai của ông lại: Gia tộc Targaryen tiêu rồi, chúng nói với ông như thế, và Gia tộc Greyjoy phải tham gia cuộc biến loạn ngay lập tức nếu không sẽ mất hết mọi hy vọng được chia chiến lợi phẩm.

Lãnh chúa Quellon xuống nước. Tất cả đã quyết định rằng dân đảo sắt sẽ chứng tỏ tình đồng minh của mình bằng cách tấn công chư hầu gần nhất của Gia Tộc Targaryen. Bất chấp tuổi đã cao và bệnh tật, lãnh chúa vẫn khăng khăng tự mình chỉ huy hạm đội tàu chiến. Năm mươi tàu lớn nhổ neo từ Pyke và bẻ mũi tàu hướng về vùng Reach. Một hạm đội khác lớn hơn vẫn phòng thủ tại nhà để đối phó với những cuộc tấn công của gia tộc Lannister, vì vẫn chưa rõ được Casterly Rock sẽ về phe phản loạn hay phe hoàng gia.

Chẳng cần phải nói nhiều về hành trình cuối cùng của Quellon Greyjoy. Trong lịch sử về Cuộc Biến Loạn Robert, một sự kiện đẫm máu đáng buồn nhưng lại chẳng có tác động gì tới cuộc chiến đã xảy ra. Dân đảo sắt đánh chìm được vài cái tàu cá, và bắt được vài gã thương nhân mập phì, đốt được vài ngôi làng và cướp được vài thị trấn nhỏ. Nhưng tại cửa sông Mander, họ đụng độ một toán quân kháng cự bất ngờ từ Dân Đảo Shield, chủ động xuất chinh đối đầu với lực lượng của ông. Một tá thuyền đã bị chiếm hoặc bị đánh đắm trong trận chiến sau đó, và dù dân đảo sắt gây ra thiệt hại cho đối phương nhiều hơn những gì họ phải gánh chịu, thì trong số những người thiệt mạng có Lãnh chúa Quellon Greyjoy.

Vào lúc đó thì cuộc chiến đã kết thúc. Một cách thận trọng, người thừa kế của ông là Balon Greyjoy chọn trở về quần đảo và kế vị Ngai Hải Thạch.

Lãnh chúa mới của Quần Đảo Sắt là người con trai lớn nhất còn sống của Lãnh chúa Quellon, đứa con từ cuộc hôn nhân thứ hai của ông (những đứa con của bà vợ đầu đều đã chết trẻ). Trong nhiều phương diện, anh ta rất giống cha mình. Ở tuổi mười ba, cậu đã có thể tự chèo thuyền và chơi trò “điệu nhảy ngón tay”. Năm mười lăm tuổi cậu dành cả mùa hè ở vùng Stepstone để cướp phá. Năm mười bảy tuổi, cậu đã trở thành thuyền trưởng. Dù cho cậu thiếu đi kích cỡ khổng lồ và sức mạnh kinh khủng của cha mình, Balon được thừa hưởng toàn bộ sự nhanh nhẹn và kỹ năng chiến đấu của ông. Và không kẻ nào dám nghi ngờ về lòng can đảm của cậu.

Tuy nhiên, từ khi mới là một đứa trẻ, Lãnh chúa Balon đã khao khát cháy bỏng giải thoát dân đảo sắt khỏi ách cai trị của Ngai Sắt, phục hưng họ về những ngày tháng quyền lực và kiêu hãnh. Ngay khi ngồi lên Ngai Hải Thạch, cậu bãi bỏ một loạt những mệnh lệnh của cha mình, bãi bỏ việc đánh thuế vợ muối và tuyên bố rằng đàn ông bị bắt trong chiến tranh cũng bị giữ làm nô lệ. Dù cho cậu không trục xuất các thầy tu, nhưng lại tăng thuế của họ lên gấp mười lần. Cậu giữ lại những học sỹ, vì họ đã chứng tỏ bản thân quá giá trị nên không thể bỏ đi được. Khi cậu xử tử học sỹ của chính đảo Pyke vì một lí do vẫn còn mờ ám cho tới tận ngày nay, Lãnh chúa Balon lập tức yêu cầu Citadel cử tới một người mới.

Lãnh chúa Quellon đã cố gắng tránh chiến tranh trong suốt triều đại của mình; còn Lãnh chúa Balon thì ngay lập tức chuẩn bị cho nó. Không chỉ vàng và vinh quang, Balon Greyjoy còn thèm khát vương miện. Giấc mơ về chiếc vương miện này đã ám ảnh gia tộc Greyjoy trong suốt chiều dài lịch sử của họ. Tuy nhiên thường thì những giấc mơ đó kết thúc bằng những thất bại, thất vọng, và chết chóc, như với trường hợp của Balon Greyjoy. Ông chuẩn bị trong năm năm, tập hợp binh lính và thuyền chiến, gây dựng một hạm đội lớn những chiến thuyền khổng lồ với mũi tàu và mạn tàu được gia cố chắc chắn, trên boong chất đầy cung và nỏ. Những chiếc thuyền của Hạm Đội Sắt nhìn giống thuyền buồm hơn, lớn hơn bất cứ chiến thuyền nào mà dân đảo sắt từng đóng trước đó.

Toà tháp còn sót lại của lâu đài Pyke

Vào năm 289 AC, Lãnh chúa Balon bắt đầu, tự xưng mình là Vua Của Quần Đảo Sắt rồi phái hai người em trai mình là Euron và Victarion tới Lannisport thiêu rụi hạm đội Lannister. “Biển cả sẽ là hào nước của ta,” ông tuyên bố khi những chiến thuyền của Lãnh chúa Tywin cháy rụi, “và sẽ trừng trị bất kỳ kẻ nào dám vượt qua.”

Vua Robert dám. Robert Baratheon Đệ Nhất, đã giành được vinh quang vĩnh cửu tại sông Trident. Phản ứng rất nhanh chóng, nhà vua triệu tập các chư hầu và phái em trai mình là Stannis, Lãnh chúa của Dragonstone, đi vòng qua Dorne cùng với một hạm đội hoàng gia. Những chiến thuyền từ Oldtown, cảng Arbor và vùng Reach cùng gia nhập đội quân của ông. Balon Greyjoy phái chính em trai của mình là Victarion đối đầu với họ, nhưng tại Eo Biển Đảo Fair, Lãnh chúa Stannis đã lùa quân đảo sắt vào một cái bẫy và đập tan Hạm Đội Sắt.

Với việc “cái hào nước” của Balon giờ đã không còn được phòng thủ, Vua Robert dễ dàng di chuyển lực lượng của mình băng qua Vịnh Người Sắt từ Seagard và Lannisport. Với cả Hộ Thần Phương Tây và Phương Bắc hậu thuẫn, Robert đổ bộ lên Pyke, Great Wyk, Harlaw, Orkmont và mở đường máu xuyên qua những hòn đảo cùng với thép và lửa. Balon bị buộc phải rút lui về pháo đài của mình tại đảo Pyke, nhưng khi Robert chọc thủng những bức tường bao và phái những kỵ sỹ xông vào qua lỗ hổng, toàn bộ quân kháng cự tan vỡ.

Vương Quốc Đảo Sắt vừa được tái sinh tồn tại không nổi một năm. Thế nhưng khi Balon Greyjoy bị xích và lôi đến trước mặt Vua Robert, tên đảo sắt vẫn rất cứng cỏi. “Ngươi có thể lấy đầu ta,” hắn nói với nhà vua, “nhưng ngươi không thể gọi ta là kẻ phản nghịch. Chưa từng có người nhà Greyjoy nào thề thốt bất cứ thứ gì với nhà Baratheon”. Robert Baratheon, rất nhân từ, người ta nói rằng khi đó ông đã cười lớn, vì ông thấy khoái cái tinh thần của gã này, dù cho gã có là kẻ thù đi chăng nữa. “Vậy thì giờ thề một câu đi,” ông đáp lời, “hoặc là bay cái đầu cứng của mi.” Và thế là Balon Greyjoy quỳ gối và được tha mạng, sau khi giao nộp đứa con trai duy nhất còn sống của mình làm con tin để chứng tỏ lòng trung thành.

Quần Đảo Sắt vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Kể từ triều đại Thủy Quái Đỏ cho tới giờ, câu chuyện của dân đảo sắt là câu chuyện về một dân tộc bị mắc kẹt giữa những giấc mơ về vinh quang trong quá khứ và cái nghèo đói của thực tại. Bị ngăn cách với Westeros bởi cả một vùng biển xanh xám, những hòn đảo này vẫn là một đế quốc riêng của chính họ. Dân đảo sắt ưa thích nói như thế này: Biển cả luôn chuyển động, luôn thay đổi, nhưng nó vẫn luôn trường tồn, vĩnh cửu, không bị trói buộc, không bao giờ như cũ, nhưng cũng luôn giống cũ. Dân đảo sắt cũng thế, những con người của biển cả.

“Bạn có thể cho người đảo sắt mặc đồ lụa và nhung, dạy anh ta đọc và viết, cho anh ta những quyển sách, dạy anh ta cưỡi ngựa, nghi thức, và cả những bí ẩn về Đức Tin,” Đại Học Sỹ Haereg viết, “nhưng khi bạn nhìn vào đôi mắt anh ta, biển cả vẫn hiện diện ở đó, lạnh giá, xám xịt và tàn nhẫn”.

About The Author

Ngo David

Power is Power