Trò chơi vương quyền – Đảo Sắt và Gia tộc Greyjoy

Trò chơi vương quyền – Đảo Sắt và Gia tộc Greyjoy

Tựa sách: Thế giới của Băng và Lửa (tựa gốc: The World of Ice & Fire)

Tác giả: George. R.R. Martin

Nhóm dịch: Bapstory.net

Những Tiền Nhân có thực sự là những con người đầu tiên không?

Hầu hết các học giả tin là có. Trước khi họ đến, người ta tin rằng, Westeros thuộc về những người khổng lồ, những đứa trẻ của rừng rậm, và những con thú dữ ở các vùng đồng bằng. Nhưng tại Quần Đảo Sắt, những tu sĩ thờ Thần Chết Chìm lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác.

Theo như đức tin của họ, dân đảo sắt là một chủng tộc tách biệt so với những tộc người thông thường. “Chúng ta không đến những hòn đảo thần thánh này từ những vùng đất vô thần phía bên kia biển”, tu sĩ Sauron Miệng Muối từng nói. “Chúng ta đến từ phía dưới những vùng biển này, từ những tòa sảnh bằng nước của Thần Chết Chìm, người đã tạo ra chúng ta theo mẫu hình dáng của ngài và ban cho chúng ta quyền thống trị toàn bộ những vùng nước trên toàn thế giới này.”

Thậm chí trong số những dân đảo sắt cũng có những người nghi ngờ về điều này và đưa ra một góc nhìn dễ chấp nhận hơn về nguồn gốc cổ của họ từ Tiền Nhân – thậm chí dù cho Tiền Nhân, không giống với những người Andalos sau này, chưa từng là những người đi biển. Chắc chắn rằng, chúng ta không thể chấp nhận được lời của những tu sĩ, những người cố làm chúng ta tin rằng người đảo sắt có nguồn gốc gần với cá và thủy quái hơn là với những tộc người khác.

Đại Học Sỹ Haereg từng có lần đưa ra một quan niệm thú vị rằng tổ tiên của người đảo sắt đến từ một mảnh đất chưa xác định nào đó ở phía Tây Biển Hoàng Hôn, dẫn chứng theo những truyền thuyết về chiếc Ngai hải Thạch (Seastone Chair). Ngai vua của gia tộc Greyjoy được tạc theo hình một con thủy quái từ một tảng đá đen, được tìm thấy bởi Tiền Nhân khi họ lần đầu đặt chân đến Old Wyk. Haereg tranh luận rằng chiếc ngai là một sản phẩm của những cư dân đầu tiên cư ngụ trên quần đảo, và chỉ đến những sách sử sau này được ghi chép bởi các học sĩ và thầy tu mới khẳng định rằng họ thực chất chính là hậu duệ của Tiền Nhân.

Thế nhưng khi người đảo sắt sinh sôi, không thể phủ nhận rằng họ khác biệt, với phong tục, đức tin, và các cách thức tổ chức chính quyền không giống bất cứ nơi nào khác trên toàn Bảy Vương Quốc.

Tất cả những điểm khác biệt này, Đại Học Sỹ Haereg đã xác nhận trong cuốn Lịch Sử Đảo Sắt của ông, bắt nguồn từ tôn giáo của họ. Những hòn đảo lạnh giá, ẩm ướt, lộng gió này chưa bao giờ có rừng, và lớp đất mỏng của chúng cũng không thích hợp cho việc trồng các cây weirwood. Chưa từng có người khổng lồ nào sinh sống ở đây, cũng như chẳng có đứa trẻ rừng rậm nào từng sinh sống ở nơi đây. Các Cổ Thần được thờ phụng bởi những giống loài cổ xưa có vẻ như hoàn toàn vắng bóng ở đây. Và dù cho người Andalos cuối cùng cũng đã tới được quần đảo này, Hội Đức Tin cũng chưa bao giờ bén rễ được ở đây, vì có một vị thần đã tồn tại ở nơi đây trước Thất Diện Thần: là Thần Chết Chìm, người tạo ra biển cả và cha của tất cả dân đảo sắt.

Thần Chết Chìm không hề có đền thờ, không có kinh thánh, không có những bức tượng được tạc lên, nhưng ông có rất nhiều tu sỹ. Từ rất lâu trước khi được ghi chép vào trong lịch sử, những người sùng đạo tha hương này đã du nhập vào Quần Đảo Sắt, truyền bá những bài thuyết giảng và bác bỏ tất cả những vị thần khác cùng với những người thờ phụng họ. Vẻ ngoài nghèo nàn, thô kệch, thường đi chân đất, những tu sĩ của Thần Chết Chìm không có một nơi ở cố định nào cả mà lang thang tự do trên quần đảo, rất hiếm khi rời quá xa những vùng biển. Hầu hết họ đều mù chữ, truyền thống của họ đều qua truyền miệng, và những tu sĩ trẻ hơn học những lời cầu khấn, và các nghi thức từ những bậc tiền bối già hơn. Dù cho họ có lang thang tới đâu, các lãnh chúa và dân thường đều buộc phải cho họ thức ăn và nơi cư ngụ nhân danh Thần Chết Chìm. Một số tu sĩ chỉ ăn cá. Hầu hết đều không tắm, trừ phi ở biển. Người ở các vùng đất khác thường nghĩ họ điên, và có vẻ trông họ giống vậy thật, nhưng không thể phủ nhận rằng họ nắm giữ những quyền lực to lớn.

Mặc dù hầu hết dân đảo sắt đều khinh miệt Thất Diện Thần của phương Nam và những cựu thần của phương Bắc, họ cũng có biết đến một vị thần khác. Trong thuyết của họ, Thần Chết Chìm từng đối đầu với Thần Bão, một vị ác thần cư ngụ trên bầu trời căm ghét con người và tất cả những việc con người làm. Hắn ta giáng những cơn gió tàn khốc, những trận mưa xối xả, và sấm cùng chớp thể hiện cơn phẫn nộ của hắn.

Một số nói rằng Quần Đảo Sắt được đặt tên theo loại quặng có rất nhiều ở nơi đây, nhưng chính những người dân đảo sắt thì lại khẳng định rằng cái tên này xuất phát từ bản tính của họ, vì họ là những con người mạnh mẽ, không biết đến quy phục, giống như vị thần mà họ thờ phụng. Những người làm bản đồ đã cho chúng ta thấy có ba mươi mốt Đảo Sắt thuộc quần đảo chính bên ngoài Vịnh Người Sắt ở phía Tây vùng Mũi Đại Bàng, và thêm mười ba hòn đảo nữa co cụm xung quanh đảo Ánh Sáng Cô Đơn (Lonely Light), tít xa phía ngoài rìa của Biển Hoàng Hôn. Những hòn đảo chính trong số này bao gồm bảy đảo sau: Old Wyk, Great Wyk, Pyke, Harlaw, Saltcliffe, Blacktyde, và Orkmont.

Vua Xám ngồi trên ngai được làm từ hàm răng của thuỷ quái Nagga

Harlaw là hòn đảo nổi tiếng nhất trong quần đảo này, Great Wyk là đảo lớn nhất và giàu quặng sắt nhất, và Old Wyk là đảo sùng đạo nhất, là nơi các vị vua muối và đá hội họp tại Sảnh Vua Xám cổ xưa để chọn ra người cai trị họ. Đảo Orkmont gồ ghề và toàn núi từng là nơi cư ngụ của Các Vua Sắt thuộc gia tộc Greyiron trong nhiều thế kỷ. Đảo Pyke thì tự hào về Lordsport, thị trấn lớn nhất trên toàn quần đảo, và là nơi cư ngụ của Gia tộc Greyjoy, cai trị toàn quần đảo kể từ thời Cuộc Chinh Phục của Aegon. Đảo Blacktyde và Saltcliff thì ít được chú ý tới hơn. Những tòa tháp canh của những lãnh chúa nhỏ hơn tọa lạc trên những hòn đảo nhỏ hơn, bên cạnh những làng chài nhỏ. Những hòn đảo khác thì chỉ để chăn nuôi cừu, trong khi rất nhiều đảo vẫn còn chưa có người cư ngụ.

Một nhóm đảo thứ hai nằm cách tám ngày chèo thuyền về phía Tây Bắc tại vùng Biển Hoàng Hôn. Tại đó, những con hải cẩu và sư tử biển sinh sống trên những tảng đá lộng gió quá nhỏ tới mức không thể đặt nổi một ngôi nhà. Pháo đài của gia tộc Farwynd ngự trị trên tảng đá lớn nhất nơi đây, được đặt tên là Ánh Sáng Cô Đơn do ngọn hải đăng tỏa sáng phía trên đỉnh tháp cả ngày lẫn đêm. Người ta thường kể những câu chuyện bất thường về gia tộc Farwynd và những người dân mà họ cai trị. Một số người kể rằng họ nằm ngủ với hải cẩu để sinh ra được những đứa con lai, trong khi số khác lại kể rằng họ là những người biến hình, có thể biến thành sư tử biển, hải mã, thậm chí là cá voi đốm, những con sói của vùng biển phía Tây.

Tuy nhiên, những câu chuyện kỳ lạ kiểu này khá là bình thường ở những vùng rìa thế giới, và Ánh Sáng Cô Đơn thì lại nằm ở rìa xa nhất về phía Tây so với tất cả những vùng đất mà chúng ta từng biết. Rất nhiều những thủy thủ liều lĩnh đã chèo thuyền vượt qua ánh sáng của ngọn hải đăng này trong suốt nhiều thế kỷ, tìm kiếm thiên đàng trong truyền thuyết được kể rằng nằm ở đường chân trời, nhưng những người trở về (rất nhiều người đã không trở về) chỉ kể lại được những vùng biển xám trải dài đến bất tận.

Những tài sản giá trị nhất mà Quần Đảo Sắt sở hữu nằm ở bên dưới những ngọn đồi tại đảo Great Wyk, Harlaw và Orkmont, nơi có rất nhiều những mỏ chì, thiếc và sắt. Các loại quặng này là hàng xuất khẩu chính của những hòn đảo này. Có rất nhiều những thợ kim hoàn giỏi trong số dân đảo sắt, những lò rèn ở Lordsport sản xuất kiếm, rìu, áo giáp và khiên số một thế giới.

Lớp đất mặt của Quần Đảo Sắt mỏng và toàn sỏi đá, chỉ thích hợp để trồng cỏ cho dê ăn chứ không trồng được lúa mì. Dân đảo sắt chắc chắn luôn luôn đối diện với nạn đói vào mỗi mùa đông nếu không nhờ tới tài nguyên trù phú từ biển và những làng chài.

Vùng biển tại Vịnh Người Sắt là nơi cư ngụ của một lượng lớn những loài cá tuyết, cá tuyết đen, cá thầy tu, cá đuối, cá băng, cá mòi và cá thu. Cua và tôm hùm cũng có thể được tìm thấy dọc những bờ biển tại tất cả các đảo, và ở phía Tây đảo Great Wyk: những con cá đuối, hải cẩu và cá voi kiếm ăn quanh vùng Biển Hoàng Hôn. Đại Học Sĩ Hake, sinh ra và lớn lên tại Harlaw, đã ước lượng rằng có khoảng bảy phần mười gia đình sinh sống tại Quần Đảo Sắt hành nghề đánh cá. Dù cho những người này có vẻ yếu ớt và nghèo khổ trên cạn, nhưng khi ra biển họ là những ông chủ. “Một người sở hữu một chiếc thuyền sẽ không bao giờ bị áp bức”, Hake viết, “vì mỗi thuyền trưởng là một ông vua trên con thuyền của riêng mình.”. Chính những thứ họ đánh bắt được đã nuôi sống cả quần đảo.

Nhưng, người dân đảo sắt cũng rất kính trọng những tên cướp của họ, thậm chí còn hơn cả những người đánh cá. “Những con sói của biển cả,” cư dân vùng westerland và riverland đặt cho họ cái tên này từ thời xa xưa, và cái tên này rất xứng đáng. Giống những con sói, họ thường đi săn theo bầy, vượt qua những vùng biển giông bão trên những con thuyền lớn, cập bến vào những ngôi làng và thị trấn yên bình dọc những bờ của Biển Hoàng Hôn để cướp, trộm và hãm hiếp. Những thủy thủ dũng mãnh và những chiến binh đáng sợ, họ có thể xuất hiện vào giữa một buổi sáng sớm, cướp phá tàn bạo, và quay trở ra biển trước khi mặt trời lên đến đỉnh, những chiếc thuyền của họ chở nặng những tài sản vơ vét được, những đứa trẻ đang than khóc và những người phụ nữ đang hoảng sợ.

Đại học sĩ Haereg từng tranh luận rằng cần phải có một lượng gỗ nhất định để dân đảo sắt có thể bắt đầu con đường tàn bạo của mình. Vào những ngày xa xưa, có những cánh rừng trải rộng tại đảo Great Wyk, Harlaw và Orkmont, nhưng các xưởng đóng tàu trên các hòn đảo có nhu cầu về gỗ lớn tới mức mà lần lượt từng cánh rừng đều biến mất. Vậy nên những người đảo sắt không còn lựa chọn nào khác, đành phải chuyển hướng sang những cánh rừng rộng lớn trên những mảnh đất xanh mướt, vùng đất liền của Westeros.

Tất cả những gì mà các hòn đảo thiếu, những kẻ cướp bóc đều tìm thấy ở những vùng đất xanh mướt. Thông thương mua bán ngày càng ít lại, thay vào đó của cải được mang về phần lớn từ đổ máu, với sự giúp sức của những thanh kiếm và rìu. Và khi những tên cướp trở về quần đảo với vô số những chiến lợi phẩm, họ sẽ nói rằng họ đã “trả cái giá của sắt” cho nó; những người ở lại sẽ “trả cái giá của vàng” để mua những kho báu này, hoặc không có gì hết. Và do đó, Haereg kể lại rằng, có vẻ những tên cướp và hành động của chúng lại còn được kích thích hơn bởi những ca từ của các ca sĩ, dân thường và những tu sĩ.

Rất nhiều những truyền thuyết đã được lưu lại đến thời chúng ta qua những triều đại các vị vua muối và những tên cướp đã độc chiếm Biển Hoàng Hôn, những con người tàn bạo, hoang dã và dũng mãnh chưa từng có ai bì kịp. Từ đây chúng ta đã được nghe về Torgon Kinh Hoàng, Jorl Cá Voi, Dagon Drumm Người Chiêu Hồn, Hrothgar của đảo Pyke và chiếc tù và gọi thủy quái của ông, và Ragged Chuột của đảo Old Wyk.

Nổi tiếng nhất là Balon Da Đen, người đã chiến đấu với một cây rìu bên tay trái và một cây búa bên tay phải. Không có thứ vũ khí nào do loài người làm ra có thể làm ông bị thương, người ta kể lại vậy, những thanh kiếm bị bật ra mà không để lại vết tích gì, và những cây rìu vỡ nát khi chạm vào da ông.

Liệu những con người này có thực sự tồn tại? Rất khó để biết được vì hầu hết đều sống và chết hàng ngàn năm trước khi người dân đảo sắt có chữ viết; thậm chí việc học hành đến ngày nay vẫn còn hạn chế tại Quần Đảo Sắt; và những người có học lại thường bị mỉa mai là lũ yếu đuối, hay là bị mọi người sợ hãi với trường hợp những pháp sư. Tất cả những điều chúng ta biết về những á thần thời xa xưa này đến từ những người mà họ đã cướp bóc hoặc những người thờ phụng họ, được viết bằng Cổ Ngữ và những ký tự của Tiền Nhân.

Những vùng đất bị những tên cướp đến cướp bóc vào thời đó rất dày đặc rừng nhưng rất thưa người. Ngày nay, dân đảo sắt không tham lam đi quá xa khỏi vùng biển muối đã nuôi dưỡng họ, nhưng họ đã từng có thời cai trị vùng Biển Hoàng Hôn từ Đảo Gấu và Bờ Băng xuống tới tận Arbor. Những chiếc thuyền đánh cá yếu đuối và thuyền buôn của Tiền Nhân, hiếm khi mạo hiểm di chuyển quá xa khuất tầm mắt đất liền, rõ ràng là không xứng tầm với những chiếc thuyền lớn nhanh nhẹn của người đảo sắt với buồm lớn và vô số mái chèo. Và khi những trận chiến diễn ra trên bờ biển, những vị vua dũng mãnh và những chiến binh nổi tiếng gục ngã trước những tên cướp cứ như là lúa mỳ gục trước những cây liềm, nhiều tới mức cư dân những vùng đất xanh kháo nhau rằng dân đảo sắt là những con quỷ trỗi dậy từ những vùng nước dưới địa ngục, được bảo vệ bởi những pháp sư hắc ám và nắm giữ những vũ khí đen tối có thể hút linh hồn của những kẻ bị chúng giết.

Mỗi khi mùa thu bắt đầu tàn và mùa đông bắt đầu đe dọa, những chiếc tàu lại ra khơi đi tìm cướp lương thực. Và thế là Quần Đảo Sắt có cái ăn, cho dù ngay cả lúc mùa đông khắc nghiệt nhất, trong khi những người gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch những vụ mùa đó thì chết đói. “Chúng ta không gieo trồng,” trở thành câu châm ngôn của gia tộc Greyjoy, những người cai trị bắt đầu tự phong cho mình danh hiệu Lãnh Chúa Tử Thần của đảo Pyke.

Những tên cướp mang về Quần Đảo Sắt không chỉ vàng và lương thực, mà còn cả các tù nhân nữa, những người từ đó trở đi phải phục vụ người đã bắt họ như một nô lệ. Đối với dân đảo sắt, chỉ có cướp bóc hoặc đánh cá được coi là xứng đáng với những người đàn ông tự do. Những nông dân ở các nông trường và trang trại chỉ dành cho nô lệ. Tương tự như vậy với nghề đào mỏ. Thế nhưng những nô lệ được giao cho làm việc ở các trang trại vẫn còn tự cảm thấy mình may mắn, Haereg viết, vì rất nhiều trong số họ tồn tại được đến già và thậm chí được cho phép kết hôn và sinh con. Những điều này là bất khả thi đối với những người bị ép làm việc trong các hầm mỏ – những hầm tối tăm, nguy hiểm bên dưới những ngọn đồi nơi những tên chủ vô cùng tàn ác, không khí ẩm ướt và độc hại, cuộc sống con người rất ngắn ngủi.

Hầu hết những tù binh nam giới bị mang về Quần Đảo Sắt dành phần đời còn lại của mình làm những công việc nặng nhọc tại trang trại hoặc hầm mỏ. Một số ít, những người con trai của các lãnh chúa hoặc các hiệp sỹ hay các thương nhân giàu có, bị đòi chuộc lấy tiền. Những nô lệ có thể viết, đọc hay tính toán được phụng sự chủ nhân với tư cách hầu cận, gia sư hoặc ghi chép. Những thợ đá, thợ đóng giày, thợ đóng thùng, thương nhân, thợ mộc hay những thợ thủ công có kỹ năng khác thậm chí còn có giá trị hơn.

Chế độ nô lệ vốn là một tập quán quen thuộc với những Tiền Nhân trong suốt quá trình cai trị dài lâu của họ tại Westeros – sau đó được củng cố thêm bởi người đảo sắt.

Thêm nữa, chế độ nô lệ là không cần bàn cãi với những người sở hữu nô lệ vì nó tồn tại như một điều hiển nhiên tại những Thành Phố Tự Do và những vùng đất xa hơn về phía Đông. Tuy nhiên không giống như những nô lệ kia, những nô lệ của đảo sắt vẫn còn được hưởng những quyền quan trọng. Một nô lệ thuộc về người bắt họ, và phải phục vụ cũng như tuân theo mệnh lệnh của người đó, nhưng anh ta vẫn là một con người, chứ không phải một loại hàng hóa. Nô lệ đảo sắt không thể bị mua hay bán. Họ có thể sở hữu tài sản riêng, kết hôn theo ý muốn và sinh con. Những đứa con của nô lệ thông thường cũng bị trói buộc kiếp nô lệ, nhưng con cái của nô lệ đảo sắt được tự do, bất cứ đứa bé nào được sinh tại tại một trong số những hòn đảo này đều được coi là cư dân đảo sắt, cho dù cả bố lẫn mẹ nó có là nô lệ đi nữa. Cũng không có nhiều những đứa trẻ bị cướp đi khỏi ba mẹ chúng cho tới tuổi lên bảy, lúc này hầu hết chúng bắt đầu học việc hoặc gia nhập một thủy thủ đoàn trên các con tàu.

Một tên cướp bóc của Quần đảo sắt khống chế “phần thưởng” của mình

Tuy nhiên, những phần thưởng được săn lùng nhiều nhất là các cô gái trẻ. Những phụ nữ già đôi khi vẫn bị bắt bởi những thuyền trưởng cần phụ bếp, đầu bếp, thợ may, thợ dệt, bà đỡ, vân vân, nhưng những trinh nữ xinh đẹp và những cô gái sắp đến tuổi dậy thì là mục tiêu hàng đầu trong mọi vụ cướp. Hầu hết đều dành phần đời còn lại của mình trên đảo làm nô lệ tình dục, gái điếm, hầu gái, hoặc làm vợ của các nô lệ khác, nhưng những cô nàng đẹp nhất, mạnh khỏe nhất và gần tới tuổi dậy thì được người chủ giữ lại làm những người vợ muối.

Theo những phong tục kết hôn, theo tín ngưỡng về các vị thần của họ, dân đảo sắt khác biệt so với dân vùng đất liền ở Westeros. Bất cứ nơi đâu mà Hội Đức Tin ngự trị ở bảy Vương Quốc, một người đàn ông sẽ gắn kết cả đời mình với một người vợ duy nhất, và một cô gái cũng chỉ gắn bó với một người chồng. Tuy nhiên, tại Quần Đảo Sắt, một người đàn ông chỉ được phép có duy nhất một “cô vợ đá” (trừ phi cô ta chết, thì anh chồng sẽ được lấy một người mới), nhưng không giới hạn những “cô vợ muối”. Vợ đá phải là một cô gái tự do được sinh ra trên Quần Đảo Sắt. Vị trí của cô ta là bên cạnh chồng mình dù trên tàu hay trên giường, và những đứa con của cô ta được ưu ái hơn của những bà vợ khác. Những cô vợ muối đa phần luôn luôn là những cô gái bị bắt về trong những trận cướp bóc. Số vợ muối mà một người đàn ông có thể nuôi được thể hiện quyền lực, sự giàu có và tầm ảnh hưởng của người đó.

Tuy vậy, không được phép coi những người vợ muối ngang hàng với vợ lẽ, gái điếm hay nô lệ tình dục. Đám cưới muối, cũng giống như đám cưới đá, được cử hành theo đúng phong tục truyền thống bởi những tu sĩ của Thần Chết Chìm (mặc dù những buổi lễ thành hôn này thường ít trang trọng hơn so với những đám cưới đá), và con cái của cặp đôi này cũng được công nhận hợp pháp. “Những đứa con muối” thậm chí có thể được thừa kế, khi người cha không có đứa con trai nào với người vợ đá.

Đám cưới muối bắt đầu trở nên ít phổ biến tại Quần Đảo Sắt kể từ thời Cuộc Chinh Phục, vì Aegon Chúa Rồng liệt việc cướp phụ nữ là một tội ác trên toàn Bảy Vương Quốc (theo khẩn cầu của Nữ hoàng Rhaenys, theo lời người ta kể). Nhà Chinh Phục cũng cấm những tên cướp hoành hành trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, lệnh cấm này chỉ được áp dụng khá hời hợt vào thời những người kế vị ông, và rất nhiều những dân đảo sắt vẫn quay về với cái mà họ thường gọi là Kiểu Cách Cũ.

About The Author

Ngo David

Power is Power