Trò chơi vương quyền – Đảo Sắt và Gia tộc Greyjoy

Trò chơi vương quyền – Đảo Sắt và Gia tộc Greyjoy

Tựa sách: Thế giới của Băng và Lửa (tựa gốc: The World of Ice & Fire)

Tác giả: George. R.R. Martin

Nhóm dịch: Bapstory.net

Cái chết của Harren Đen Tối cùng con cái ông đã bỏ lại Quần Đảo Sắt trong tình trạng không có vua và hỗn loạn.

Rất nhiều những lãnh chúa lớn và những chiến binh danh tiếng đã từng phụng sự Vua Harren ở vùng riverland. Một số chết cùng ông khi Harrenhal bị thiêu rụi, số khác thì chết khi vùng riverland nổi dậy. Chỉ một số rất ít sống sót tới được bờ biển, và những người tìm được chiếc thuyền của mình vẫn còn ở đó, chưa bị đốt cháy, để lên thuyền về nhà thì còn ít hơn.

Gia tộc Greyjoy (trung tâm) và một vài chư hầu đáng chú ý ở quá khứ và hiện tại (tính từ đỉnh đồng hồ)Greyiron, Goodbrother, Wynch, Botley, Drumm, Harlaw, Hoare và Blacktyde

Aegon và những chị em gái của ông rất ít chú ý tới Quần Đảo Sắt ngay sau vụ Harrenhal. Họ có những vấn đề cấp thiết hơn, và bận bịu với những kẻ thù hùng mạnh hơn cần phải đánh bại. Bị bỏ lại tự lo lấy thân, quân đảo sắt ngay lập tức rơi vào nội chiến.

Qhorin Volmark, một lãnh chúa nhỏ của đảo Harlaw, là người đầu tiên chiếm lấy ngôi vua. Bà của ông là em gái của Harwyn Bàn Tay Sắt. Dựa vào mối quan hệ này, Volmark tuyên bố mình là người thừa kế hợp pháp của “dòng dõi đen”.

Tại Old Wyk, bốn mươi tu sĩ đã tụ họp lại dưới chân bộ xương của Nagga để trao vương miện gỗ trôi cho một người trong số họ, một người sùng đạo chân đất tên là Lodos, người tự xưng là đứa con trai còn sống sót của Thần Chết Chìm.

Thêm nhiều kẻ tự xưng khác nổi lên ở Great Wyk, Pyke và Orkmont, và trong suốt hơn một năm, những người ủng hộ họ chiến đấu với nhau cả trên cạn lẫn dưới biển. Aegon Nhà Chinh Phục đã chấm dứt những cuộc đấu đá này vào năm 2 AC khi ông ta cùng với Balerion bay tới đảo Great Wyk, đi cùng với ông là một hạm đội tàu lớn. Quân đảo sắt sụp đổ dưới chân ông. Qhorin Volmark chết bởi chính tay Aegon, bị chém bởi chính thanh kiếm Valyria trên tay Aegon, thanh Blackfyre. Tại Old Wyk, tên vua tu sĩ Lodos tìm sự trợ giúp từ vị thần của mình, định triệu hồi những con thủy quái từ dưới đáy biển sâu lên để nhấn chìm những chiến thuyền của Aegon. Khi những con thủy quái chẳng thấy xuất hiện, Lodos nhét đầy đá vào trong chiếc áo choàng của mình rồi nhảy xuống biển để “chất vấn” cha mình. Hàng nghìn người làm theo. Những cái xác chết trôi của họ vẫn còn dạt vào những bờ biển cho tới tận nhiều năm sau, mặc dù vậy xác của chính vị tu sĩ thì không thấy đâu cả. Tại đảo Great Wyk và Pyke, những kẻ tự xưng còn sống sót (vị vua tại đảo Orkmont đã bị giết từ năm trước đó) rất nhanh chóng quỳ gối và thề trung thành với Gia Tộc Targaryen.

Nhưng ai sẽ cai trị họ đây? Ở đất liền, một số người thuyết phục Aegon đặt dân đảo sắt làm chư hầu của Lãnh Chúa Tully vùng Riverrun, người đã được ông phong làm Lãnh Chúa Tối Cao vùng sông Trident. Số khác lại khuyên ông rằng quần đảo này nên được trao cho Casterly Rock. Một số còn đi xa hơn, cầu xin ông quét sạch quần đảo bằng lửa rồng, đặt dấu chấm hết vĩnh viễn cho những tai họa mà dân đảo sắt gây ra.

Aegon đã lựa chọn một giải pháp khác. Ông tập hợp tất cả những lãnh chúa còn lại của Quần Đảo Sắt, ông tuyên bố cho phép họ tự chọn vị lãnh chúa tối cao của mình. Không có gì ngạc nhiên khi họ tự chọn một trong số họ: Vickon Greyjoy, Lãnh Chúa Cướp Biển đảo Pyke, một thuyển trưởng nổi tiếng và là hậu duệ của Vua Xám. Dù cho đảo Pyke nhỏ hơn và nghèo hơn Great Wyk, Harlaw hay Orkmont, gia tộc Greyjoy vẫn nổi tiếng là một dòng tộc lâu đời và danh giá. Ở thời vẫn còn có hội chọn vua, chỉ có gia tộc Greyiron và Goodbrother là sản sinh ra nhiều vị vua hơn gia tộc này, mà gia tộc Greyiron thì đã tuyệt tự.

Kiệt quệ và nghèo khổ do hậu quả của chiến tranh, dân đảo sắt chấp nhận vị lãnh chủa mới của họ không chút do dự.

Phải mất đến gần một thế hệ sau, Quần Đảo Sắt mới dần phục hồi được từ những vết thương sau khi Harren sụp đổ và từ những cuộc nội chiến tương tàn. Vickon Greyjoy, ngồi trên ngai vua tại Pyke trên chiếc Ngai Hải Thạch (Seastone Chair), đã chứng minh mình là một ông vua nghiêm khắc những cũng rất khôn ngoan. Dù cho ông không liệt cướp biệt vào hạng phi pháp, ông ra lệnh rằng những hoạt động này chỉ được diễn ra ở những vùng biển xa xôi, xa những bờ biển Westeros, để không làm Ngai Sắt nổi giận. Và bởi vì Aegon đã chấp nhận Thất Diện Thần làm tín ngưỡng của ông và được xức dầu thánh bởi Tu Sĩ Tối Cao tại Oldtown, Lãnh Chúa Vickon cho phép những thầy tu trở lại quần đảo một lần nữa để truyền bá Thất Diện Giáo.

Điều này làm rất nhiều dân đảo sắt sùng đạo tức giận, và đã chọc giận cả những tu sĩ của Thần Chết Chìm. “Hãy để họ truyền đạo,” Lãnh Chúa Vickon nói với những kẻ bất bình. “Chúng ta cần những cơn gió để mang muối đến.” Ông trung thành với Aegon, ông cũng đã nhắc nhở con trai mình là Goren, rằng không kẻ ngu ngốc nào lại dám cả gan nổi dậy chống đối Aegon Targaryen và những con rồng của ông.

Đây là những lời mà Goren Greyjoy đã khắc cốt ghi tâm. Khi Lãnh Chúa Vickon chết vào năm 33 AC, Goren kế vị ông làm Lãnh Chúa của Quần Đảo Sắt, đập tan một âm mưu vụng về có ý định khôi phục “dòng dõi đen” bằng cách ủng hộ con trai của Qhorin Volmark lên ngôi. Ông cũng phải đối mặt với những thử thách lớn hơn vào bốn năm sau đó, khi Aegon Nhà Chinh Phục chết bởi một cơn đau tim tại Dragonstone, và con trai ông là Aenys lên ngôi vua. Dù tốt bụng và có hảo tâm, Aenys Targaryen được biết đến là một người yếu đuối, không phù hợp ngồi Ngai Sắt. Vị vua mới vẫn đang trong những chuyến đi thực hiện công việc hoàng gia thì những cuộc nổi loạn bắt đầu nổ ra khắp nơi trên toàn đế quốc.

Một cuộc nổi dậy lớn đã làm chấn động Quần Đảo Sắt, dẫn đầu bởi một người tự nhận mình chính là vị vua tu sĩ Lodos đã trở về sau khi ghé thăm cha mình. Nhưng Goren Greyjoy đã xử lý rất quyết đoán, táo bạo tới mức gửi chiếc đầu của tên vua tu sĩ tới cho Aenys Targaryen. Đức Vua vô cùng hài lòng với món quà tới mức ông hứa ban cho Lãnh Chúa Goren bất cứ phần thưởng nào trong khả năng ông có thể. Trí khôn của ông cũng ngang ngửa với sự tàn bạo, Greyjoy xin nhà vua cho phép ông trục xuất toàn bộ thầy tu và bà sơ khỏi Quần Đảo Sắt. Vua Aenys buộc phải đồng ý. Mất tận một thế kỷ sau mới lại có một điện thờ hoạt động trên quần đảo.

Trong nhiều năm sau đó, dân đảo sắt vẫn bình yên dưới sự cai trị của những lãnh chúa Greyjoy. Tránh nghĩ tới những cuộc chinh phục, họ sống bằng nghề đánh cá, thương mại, và khai mỏ. Pyke và King’s Landing cách nhau cả một chiều dài của Westeros, nên dân đảo sắt càng ngày càng ít mối bận tâm tới triều đình. Cuộc sống trên quần đảo rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa đông, nhưng xưa nay vốn dĩ vẫn vậy. Một số người vẫn mơ mộng về ngày trở lại Kiểu Cách Cũ, cái thời mà dân đảo sắt vẫn còn là những người đáng sợ, nhưng vùng Stepstone và Biển Hạ ở rất xa, và gia tộc Greyjoy ngồi trên Ngai Hải Thạch thì không cho phép cướp bóc ở những nơi gần hơn hai nơi này.

About The Author

Ngo David

Power is Power