Trò chơi vương quyền – Chín Thành phố Tự trị

Trò chơi vương quyền – Chín Thành phố Tự trị

Tựa sách: Thế giới của Băng và Lửa (tựa gốc: The World of Ice & Fire)

Tác giả: George. R.R. Martin

Nhóm dịch: Bapstory.net

Thành phố Tự trị Norvos nằm trên bờ đông của sông Noyne, một trong những nhánh sông lớn nhất của sông mẹ Royne. Phần thành phố trên cao, được bao quanh bởi những bức tường đá hùng vĩ, dốc đứng, thấp thoáng ở phía trên. Ba trăm feet bên dưới là phần thành phố phía dưới, trải dọc theo bờ sông đầy bùn, được bao bọc bởi những con hào, mương nước và một hàng rào gỗ mọc đầy rêu phong. Giới quý tộc cổ xưa của Norvos sống ở thành phố phía trên, đứng đầu là những thầy tu râu rậm (bearded priest) bên trong những ngôi đền-pháo đài vô cùng rộng lớn; những người nghèo khổ sống hỗn tạp bên dưới cùng với cầu cảng, nhà thổ và quán bia nằm dọc bờ sông. Hai phần của thành phố chỉ được nối với nhau bằng một cầu thang bằng đá đồ sộ, được gọi là Những Bậc thang tội lỗi (Sinner’s  Steps).

Norvos Vĩ đại, cái tên mà người Norvos đặt cho thành phố của họ, được bao quanh bởi những ngọn đồi đá vôi gồ ghề và những khu rừng rậm, tối tăm với các loại cây sồi, thông và giẽ gai, là nơi ở của gấu, lợn rừng, sói và nhiều trò tiêu khiển khác nhau. Các vùng đất của thành phố trải dài đến tận bờ phía tây của Darkwash ở phía đông và Upper Rhoyne ở phía tây. Các thuyền buồm trên sông của người Norvos làm chủ dòng sông Noyne xuống tận phía nam tới những tàn tích của Ny Sar, nơi nhánh sông nhập vào sông mẹ Rhoyne. Norvos Vĩ đại thậm chí còn tuyên bố quyền thống trị trên Axe trên Biển Rùng mình, mặc dù yêu sách này bị tranh chấp, thường là bằng máu, bởi người Ib.

Gần các bức tường thành phố, người Norvosh làm việc trên các trang trại hình bậc thang của họ. Xa các bức tường hơn, người dân tập trung đằng sau những hàng rào gỗ cao lớn được nẹp chặt và những ngôi làng có tường bao quanh. Các con suối ở đây chảy xiết và lòng suối đầy đá, cùng những ngọn đồi bất tận với những hang động tổ ong. Nhiều hang động là nơi sinh sống của loài gấu nâu thường thấy ở những vùng đất phía bắc này, những hang động khác là nơi trú ẩn của những con sói đỏ hoặc xám. Ở một số hang động có thể tìm thấy xương của những người khổng lồ và những hình ảnh trên hang cho thấy đã có người sinh sống ở đây cách đây từ rất lâu. Một hệ thống hang động, một vài cái kéo dài hàng trăm league về phía tây bắc của Norvos, vô cùng rộng lớn và sâu, đến mức có truyền thuyết cho rằng đó là lối vào địa ngục; Lomas Longstrider đã đến thăm nó một lần và xếp nó vào một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới trong cuốn sách Những Kỳ quan của mình.

Một số học giả cho rằng các lãnh chúa rồng coi tất cả các tín ngưỡng đều là sai lầm như nhau, tin rằng bản thân họ quyền lực hơn bất kỳ vị thần hay nữ thần nào. Họ coi các tu sĩ và đền thờ chỉ là những di tích của thời kỳ nguyên thủy lạc hậu, dù họ thấy nó hữu ích cho việc xoa dịu “tầng lớp nô lệ, những kẻ man rợ và người nghèo” với những lời hứa về một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ tới. Hơn nữa, sự đa dạng của các vị thần đã giúp giữ cho những người chống đối của họ bị chia rẽ và giảm bớt cơ hội hợp nhất của họ dưới biểu ngữ của một đức tin duy nhất nhằm để lật đổ các chúa tể của mình. Lòng khoan dung tôn giáo đối với các lãnh chúa rồng như một phương tiện để giữ hòa bình ở Vùng đất Mùa hè Vĩnh cữu.

Mặc dù Norvos Vĩ đại thống trị các đầu nguồn của sông Rhoyne ngày nay, nhưng người Norvos không phải là hậu duệ của người Rhoyne, những người từng cai trị dòng sông hùng mạnh khi xưa. Giống như các thành phố tự trị khác, Norvos là con gái của Valyria.

Tuy nhiên, trước cả người Valyria, một tộc người nữa cũng đã cư ngụ dọc theo sông Noyne nơi bây giờ là Norvos, dựng lên những ngôi làng thô sơ của chính họ.

Những người này là ai? Một số người tin rằng họ có họ hàng với những người tạo mê cung ở Lorath, nhưng điều đó dường như là không thể, vì họ dùng gỗ để xây dựng, không phải bằng đá và không để lại những mê cung gây bối rối cho chúng ta. Những người khác cho rằng họ là anh em họ của những người Ib. Tuy nhiên, hầu hết, tin rằng họ là người Andalos.

Dù cho người Norvos đầu tiên là ai thì thị trấn của họ đã không còn tồn tại. Truyền thuyết cho chúng ta biết họ đã bị đuổi khỏi Noyne bởi một cuộc tấn công của những người rậm lông ở phía đông, chắc chắn là một số người có mối quan hệ họ hàng gần gũi với người Ib. Những kẻ xâm lược này lần lượt bị hoàng tử huyền thoại của Ny Sar, Garris Xám trục xuất, nhưng những người Rhoyne này không nán lại lâu, họ thích những vùng đất ôn hòa nơi dòng sông hạ nguồn hơn là bầu trời tối tăm cùng những cơn gió lạnh lẽo trên những ngọn đồi.

Giống như những thành phố chị em của mình – Lorath và Qohor, Thành phố Tự trị Norvos như chúng ta biết ngày nay ban đầu được thành lập bởi những người bất đồng tôn giáo từ Valyria. Ở đỉnh cao quyền lực, Freehold là nơi có hơn hàng trăm ngôi đền, một số ngôi đền có đến hơn chục ngàn người thờ phượng, trong khi một số ngôi đền lại vô cùng ít ỏi, nhưng không có đức tin nào bị cấm ở Valyria, và tất cả đều bình đẳng.

Nhiều người Valyria tôn thờ hơn một vị thần, họ chuyển đổi qua lại các vị thần theo nhu cầu của họ; và cũng nhiều người hơn, không tôn thờ ai cả. Hầu hết coi tự do đức tin là một dấu hiệu của bất kỳ nền văn minh tiên tiến nào. Tuy nhiên, đối với một số người, việc quá nhiều các vị thần lại là nguồn cơn cho những vấn đề rắc rối liên tục tiếp diễn. “Những người tôn kính tất cả các vị thần thì không đáng được tôn kính”, một nhà tiên tri của Thần Ánh sáng, R’hllor Đỏ, từng có lời tuyên bố nổi tiếng này. Và ngay cả khi đang ở đỉnh cao vinh quang, Freehold cũng là nơi ở của nhiều người có sự tin tưởng mãnh liệt vào một vị thần hoặc nữ thần của riêng họ và coi tất cả những vị thần khác là những hình tượng sai trái, lừa đảo hoặc ma quỷ, chuyên đi lừa dối nhân loại.

Hàng tá những giáo phái mọc lên ở Valyria, thỉnh thoảng còn “choảng” nhau vô cùng dữ dội. Một điều không thể tránh khỏi, một vài giáo phái nhận ra sự tha thứ của Freehold là không thể tha thứ và tìm kiếm những vùng đất hoang dã để lập ra những thành phố của chính họ, những thành phố thánh thần mà nơi đó chỉ một “đức tin thật sự” được thờ phụng. Chúng ta đã nói về những người thờ Thần Mù, Boash, những người đã lập ra Lorath và những gì đã xảy ra với họ ở đó. Qohor là nơi những con chiên thờ phụng một vị thần vô cùng hung tợn được biết đến với cái tên Dê Đen, chúng ta sẽ sớm biết về tôn giáo này.

Nhưng những giáo phái ở Norvos cũng kỳ lạ như vậy, hay có thể nói là kỳ lạ hơn những giáo phái ở Qothor và Lorath, và còn bí ẩn hơn nữa. Ngay cả tên của vị thần của họ cũng chỉ được tiết lộ cho đồng tu. Đây chắc chắn là một vị thần vô cùng nghiêm khắc, vì các linh mục của vị thần này mặc áo vải tóc, khoác lên người những tấm da sống và thực hành nghi thức quất roi như một phần của sự thờ phụng. Một khi tham gia giáo phái, họ bị cấm cạo hoặc cắt tóc.

Từ khi thành lập đến nay, Norvos Vĩ đại theo chế độ thần quyền, được cai trị bởi các thầy tu rậm râu của họ, những người được cai trị bởi vị thần họ thờ phụng, vị thần truyền đạt những mệnh lệnh đến họ từ sâu bên trong đền thờ pháo đài, chỉ những tín đồ chân chính mới có thể vào và sinh sống. Mặc dù thành phố có một hội đồng gồm các magister, nhưng các thành viên này cũng do thần chọn, đưa ra lựa chọn thông qua các thầy tu của mình. Để thực thi sự vâng lời và giữ hòa bình, các linh mục rậm râu giữ một đội quân bảo vệ thánh thần là những người lính nô lệ, những chiến binh hung dữ mang hình ảnh của một chiếc rìu hai lưỡi trên ngực và thực hiện nghi thức kết hôn với những chiếc rìu dài mà họ mang theo để chiến đấu.

Chỉ có các thầy tu Norvos được phép để râu; dân chúng Norvos tự do ở cả tầng lớp cao và thấp đều ưa thích để những ria mép dài và trông hơi bẩn, trong khi nô lệ và phụ nữ thì bị cạo nhẵn. Phụ nữ Norvos cạo hết lông tóc trên cơ thể họ, mặc dù các phụ nữ quý tộc sẽ đội tóc giả, đặc biệt là khi bị ép buộc phải cưới những người đến từ những vùng đất và thành phố khác.

Những lữ khách mô tả vùng phía trên Norvos là một nơi xám xịt đáng sợ vào những mùa hè ngột ngạt, mùa đông thì vô cùng lạnh, những cơn gió dữ dội và lời cầu nguyện không ngơi nghỉ. Phần thành phố ở dưới thấp, là nơi ở của những ngư dân, nhà thổ và quán rượu, thì được cho là sống động hơn. Ở đó, ngoài tầm nhìn của các thầy tu và tầng lớp quý tộc, người Norvos tầng lớp thấp tiệc tùng với thịt đỏ và cá chó, được rửa sạch với loại bia đen mạnh và sữa dê lên men, trong khi những con gấu thì nhảy múa để mua vui và (người ta thì thầm rằng) những phụ nữ nô lệ giao phối với những con sói trong những căn hầm leo lét ánh đuốc.

Archmaester Perestan lưu ý tầm quan trọng của hình ảnh chiếc rìu đối với người người Norvosh, nó như một biểu tượng của quyền lực và sức mạnh và ông cho rằng đây là bằng chứng cho thấy người Andalos là người đầu tiên đặt chân đến Norvos, và các thầy tu rậm râu đã lấy biểu tượng từ đống đổ nát mà họ tìm thấy khi họ thành lập Norvos Vĩ đại. Ông ấy cũng lập luận rằng, bên cạnh những hình ảnh điêu khắc của ngôi sao bảy cánh, những hình ảnh khắc chiếc rìu hai lưỡi cũng xuất hiện và đã trở thành biểu tượng yêu thích nhất của những chiến binh thần thánh khi họ xâm chiếm Bảy Vương quốc thời xa xưa.

Etched in Stone, ghi chép được viết bởi Archmaester Harmune cũng có một danh mục các hình ảnh điêu khắc được tìm thấy ở Vale. Ngôi sao và rìu được tìm thấy ở Fingers ở Vùng núi Mặt trăng và thậm chí là xa hơn cả xứ Vale của nhà Arryn, đến tận Giant’s Lance. Harmune cũng cho rằng, lúc đó, người Andalos trở nên thích thú với biểu tượng ngôi sao bảy cảnh hơn và vì thế hình ảnh chiếc rìu không được lựa chọn để trở thành biểu tượng của Đức tin.

Tuy nhiên, cần phải nói rằng không phải tất cả đều đồng ý những hình ảnh chạm khắc đó là những chiếc rìu. Trong lời phản bác của mình, Maester Evlyn lập luận rằng những gì Harmune gọi là rìu thì trên thực tế là búa, dấu hiệu của Thần Thợ rèn. Ông giải thích cho lập luận của mình rằng, người Andalos là những chiến binh, không phải là nghệ nhân.

Một buổi lễ tôn vinh vị thần thiêng liêng của Norvos

Không có ghi chép hoàn chỉnh nào về Norvos Vĩ đại mà không đề cập đến ba chiếc chuông của thành phố, tiếng rung của nó chi phối mọi khía cạnh cuộc sống thành phố, nó cho người Norvos biết khi nào thức dậy, khi nào ngủ, khi nào làm việc, khi nào nghỉ ngơi, khi nào cầm vũ khí, khi nào cầu nguyện (thường xuyên) và ngay cả khi nào quan hệ xác thịt (nhưng ít thường xuyên hơn, nếu các câu chuyện kể là có thật). Mỗi chiếc chuông đều có tiếng nói riêng biệt của riêng mình, đó là âm thanh được biết đến với tất cả những người Norvos. Những chiếc chuông mang tên Noom, Narrah và Nyel; Lomas Longstride đã quá thích thú chúng đến nỗi ông đặt cho chúng là một trong chín Kỳ quan do con người tạo ra.

About The Author

Ngo David

Power is Power