Trò chơi vương quyền – Xa hơn những Thành phố tự trị

Trò chơi vương quyền – Xa hơn những Thành phố tự trị

Tựa sách: Thế giới của Băng và Lửa (tựa gốc: The World of Ice & Fire)

Tác giả: George. R.R. Martin

Nhóm dịch: Bapstory.net

Chúng ta có thể biết được hết những vùng đất và dân tộc tồn tại trên thế giới này không? Chắc chắn là không. Những chiếc bản đồ mà chúng ta có đều không thể vẽ được hết, và dù là tấm bản đồ chi tiết nhất cũng đều để lại rất nhiều dấu hỏi về những vùng đất xa xôi phía Đông, thể hiện rất nhiều những khoảng trống mà chúng ta chưa biết tới. Thế nhưng chúng vẫn mang lại cho ta nhiều điều để thảo luận về những nơi mà chúng ta đã biết, dù cho những nơi này rất hiếm khi thông thương với Bảy Vương Quốc, thậm chí hiếm hoi hơn nhiều khi so với cả Những Thành Phố Tự Trị.

Ở phía đông của Naath, chuỗi đảo dài được gọi là Quần đảo Basilisk thì lại cực kỳ khác biệt. Được đặt tên cho những con thú hung dữ đã từng là mối họa cho họ, Quần Đảo Basilisk trong nhiều thế kỷ đã trở thành một loại ung nhọt của Biển Mùa Hạ, nơi chỉ có cướp biển, nô lệ, lính đánh thuê, sát nhân và quái vật sinh sống, những sinh vật tồi tệ nhất của nhân loại. Người ta nói rằng chúng đến từ mọi vùng đất dưới ánh mặt trời, vì chỉ ở đây những kẻ như chúng mới có thể hy vọng tìm thấy những kẻ đồng hạng với mình.

Cuộc sống trên Quần Đảo Basilisk thật tồi tệ, tàn bạo và ngắn ngủi. Nóng, ẩm ướt và đầy ruồi, bọ chét cát cùng với giun máu, những hòn đảo này đặc biệt độc hại đối với cả con người và thú vật. Những tàn tích được tìm thấy trên Đảo Nước Mắt, Đảo Cóc và Đảo Rìu gợi lại về một nền văn minh cổ đại nào đó, nhưng ngày nay rất hiếm người hiểu biết về những chủng tộc đã biến mất từ Kỷ Bình Minh này. Nếu có bất kỳ ai vẫn còn sống sót khi những chiếc thuyền hải tặc đầu tiên thả neo trên các hòn đảo, họ cũng sớm bị xử tử, vì vậy chẳng còn dấu vết nào của họ ngày nay … có lẽ ngoại trừ tại Đảo Cóc, như chúng ta sẽ thảo luận ngay sau đây.

Khu vực lớn nhất trong quần đảo Basilisks là Đảo Nước Mắt, nơi các thung lũng có sườn dốc và vũng lầy đen ẩn mình giữa những ngọn đồi đá lửa gồ ghề và những tảng đá ngoằn ngoèo, lộng gió. Trên các bờ biển phía nam của nó là những tàn tích đổ nát của một thành phố. Được thành lập bởi Đế Chế Cổ Ghis, nơi đây được gọi là Gorgai trong gần hai thế kỷ (hoặc có thể là bốn; có một số tranh cãi), cho đến khi các chúa rồng của Valyria chiếm đóng trong Cuộc Chiến Ghiscari Lần Thứ Ba và đổi tên nó thành Gogossos.

Dù mang tên nào đi nữa, đó cũng là một nơi xấu xa. Các chúa rồng đã đày những tên tội phạm xấu xa nhất của họ đến Đảo Nước Mắt để sống cuộc đời lao động khổ sai. Bên trong những hầm ngục tối của Gogossos, những kẻ tra tấn luôn nghĩ ra những cực hình mới. Trong các hầm mỏ, ma thuật máu thuộc loại đen tối nhất đã được thực hành, khi những con thú được giao phối với phụ nữ nô lệ để sinh ra những đứa trẻ nửa người nửa thú dị dạng.

Tai tiếng của Gogossos còn tồn tại lâu hơn cả Ngày Tận Thế. Trong suốt Thế Kỷ Đẫm Máu, thành phố đen tối này trở nên giàu có và quyền lực. Một số người gọi nới đây là Thành Phố Tự Trị Thứ Mười, nhưng sự giàu có của nó được dựa trên nô lệ và ma thuật. Các chợ nô lệ nơi đây trở nên khét tiếng không kém gì các thành phố cổ của Ghiscari trên Vịnh Nô Lệ. Tuy nhiên, bảy mươi bảy năm sau ngày Tận Thế Valyria, người ta nói rằng mùi hôi nơi đây đã đến tận lỗ mũi của các vị thần, và một bệnh dịch khủng khiếp xuất hiện từ các chuồng nô lệ của Gogossos. Cái Chết Đỏ quét qua Đảo Nước Mắt, sau đó là phần còn lại của Quần Đảo Basilisk. Cứ mười người đàn ông thì có chín người chết trong la hét, máu chảy rất nhiều từ mọi lỗ thông, da của họ rách ra như giấy da bị nhúng nước.

Trong một thế kỷ sau đó, quần đảo Basilisk bị xa lánh. Mãi cho đến khi những tên cướp biển xuất hiện, loài người mới lại hiện diện trên quần đảo một lần nữa. Cướp biển người Qarth Xandarro Xhore là người đầu tiên giương cao cờ hiệu của mình ở đó, sử dụng những viên đá mà hắn ta tìm thấy trên Đảo Rìu để dựng lên một pháo đài đen tàn bạo phía trên nơi hắn neo thuyền. Những thành viên của Hội Huynh Đệ Xương Cốt cũng học theo ngay sau đó, định cư ở cuối phía tây quần đảo trên Đảo Ruồi. Từ những căn cứ này, Xandarro và Hội Huynh Đệ đã có vị trí hoàn hảo để săn lùng khi những thương nhân đi vòng quanh những tàn tích còn sót lại của bán đảo Valyria. Trong vòng nửa thế kỷ, hầu hết mọi hòn đảo trên quần đảo Basilisk đều là nơi sinh sống của một đội cướp biển.

Ngày nay, Hội Huynh Đệ Xương Cốt đã bị lãng quên từ lâu, và tất cả những gì còn lại của Xandarro Xhore là pháo đài mà hắn ta để lại trên Đảo Rìu, nhưng những tên cướp biển vẫn con bám lấy quần đảo Basilisk. Dường như cứ sau mỗi thế hệ, các hạm đội lại được gửi đến các hòn đảo để dọn sạch những con sâu bọ của biển này. Những người Volantis đặc biệt nhiệt tình trong vấn đề này, thường liên minh với một hoặc nhiều Thành Phố Tự Trị khác. Một số cuộc đột kích này đã kết thúc thất bại khi những tên cướp biển kịp rút lui do được báo trước. Những cuộc tấn công khác, được lãnh đạo tốt hơn, đã chứng kiến ​​hàng trăm người bị treo cổ và hàng trăm con tàu bị bắt giữ, đánh chìm hoặc thiêu rụi. Có một cuộc tấn công đã kết thúc trong ô nhục, khi thuyền trưởng Saathos Saan của Lysene, chỉ huy hạm đội được gửi đến để phá hủy các thành trì của cướp biển, chính ông đã trở thành cướp biển và trị vì với danh xưng Vua Của Quần Đảo Basilisk trong ba mươi năm.

Bất chấp kết quả từ những nỗ lực như vậy, những tên cướp biển dường như luôn tiếp tục quấy nhiễu trở lại sau một thời gian. Các thị trấn của chúng mọc lên như nấm cóc, chỉ để lại bị bỏ hoang vào năm sau, hoặc năm sau nữa, bị bỏ lại hoang phế và chìm trở lại trong bùn lầy mà từ đó chúng sinh ra. Cảng Plunder, nổi tiếng nhất, được ca tụng trong nhiều bài hát và câu chuyện, nhưng không thể tìm thấy trên bất kỳ bản đồ nào… vì lý do rất xác đáng là đã có ít nhất một tá Cảng Plunder, trên nhiều hòn đảo. Bất cứ khi nào một cái bị phá hủy, cái khác được thành lập, chỉ để lại lần lượt bị bỏ hoang. Điều này cũng đúng với Sty, Whore’s Gash, Black Pudding, và các hang ổ cướp biển khác, mỗi hang ổ thành lập sau lại khét tiếng và tàn bạo hơn cái trước.

Một số đảo thuộc quần đảo Basilisk có những điểm đặc trưng nhất định cần đề cập thêm:

Talon, một hòn đảo lớn hình móng vuốt ở phía bắc Đảo Nước Mắt, giống như một tổ ong với các hang động sâu thẳm, hầu hết chúng đều có người ở và được gia cố. Hòn đảo này đóng vai trò là chợ buôn bán nô lệ cho những tên cướp biển, nơi giam giữ những người bị bắt cho đến khi bán được hoặc (ít thường xuyên hơn) đòi được tiền chuộc. Đây cũng là nơi có Bãi biển Barter, nơi những tên cướp biển thông thương, buôn bán với nhau.

Trên Đảo Cóc có thể tìm thấy một bức tượng thần cổ xưa, một viên đá đen được chạm khắc thô thiển thành hình dáng của một con cóc khổng lồ trông có vẻ hung ác, cao khoảng bốn mươi feet. Người dân ở hòn đảo này được một số người tin rằng là hậu duệ của những người đã chạm khắc nên Tảng Đá Cóc, vì khuôn mặt của họ có một đôi nét giống cá khá khó nhìn, và nhiều người có bàn tay và bàn chân có màng. Nếu vậy, họ là tàn tích duy nhất còn sót lại của chủng tộc đã bị lãng quên này.

Nhiều người trong số những tên cướp biển vẫn còn duy trì phong tục khủng khiếp là trang trí thân và cột buồm những con tàu của chúng bằng những chiếc đầu người, để gây sợ hãi cho kẻ thù. Những cái đầu người được treo trên sợi dây gai dầu cho đến khi tất cả phần thịt đã thối rữa, sau đó chúng được thay thế bằng những chiếc mới. Tuy nhiên, thay vì ném những chiếc đầu lâu xuống biển, những chiếc tàu cướp biển sẽ chuyển chúng đến Đảo Đầu Lâu, như một lễ vật cho một vị thần bóng tối nào đó. Vì vậy, người ta có thể nhìn thấy những đống đầu lâu ố vàng nằm dọc theo bờ của tảng đá nhỏ, lộng gió, không có người ở này.

Cướp biển: Tai ương của Quần đảo Basilisk

Nói tóm lại, Quần Đảo Basilisk tốt nhất là nên tránh xa, vì chẳng có điều gì tốt đẹp chờ đón những kẻ mon men du hành tới đây.

About The Author

Ngo David

Power is Power