Review ‘sương sương’ The Witcher: Lối kể chuyện thú vị nhưng nội dung còn nhiều rối rắm

Review ‘sương sương’ The Witcher: Lối kể chuyện thú vị nhưng nội dung còn nhiều rối rắm

Seri The Witcher đã lên sóng Netflix vào ngày 20.12 và nhận về rất nhiều đánh giá khác nhau. Trong khi rất nhiều “thường dân” khen nức nở thì các nhà phê bình lại chê tơi tả. Minh chứng là điểm số trên IMDb của phim hiện đạt 8.9/10 điểm với hơn 50 ngàn lượt bình chọn, trong khi trên Rotten Tomatoes chỉ có 58%.

Đối với những ai chưa chơi game hoặc đọc tiểu thuyết cùng tên thì có lẽ sẽ cảm thấy hơi khó hiểu về nội dung cũng như cách dẫn giải trong phim. Bapstory.net sẽ viết một loạt các bài phân tích trọn bộ 8 tập phim để một phần nào đó chúng ta có thể hình dung ra một thế giới The Witcher vô cùng rộng lớn và đầy sống động.

Sau đây là một số những đánh giá ‘sương sương’ cho seri mới toanh này trên Netflix

Về kỹ xảo, quay phim

Tông màu của phim quá đẹp, cái đẹp của sự cổ kính, của sự ảm đạm, nhưng nó không đơn điệu mà luôn có những điểm nhấn, thứ mà mình có thể tìm thấy ở Seri The Witcher mà ít thấy ở Game of Throne: là những đại cảnh được quay từ trên cao xuống đẹp đến nín thở: chiến trường, núi non, những thành quách hay những cú xoay camera đầy nghệ thuật trong những phân cảnh chiến đấu.

Từng cái vung kiếm, từng cú đấm đều vô cùng lực, dứt khoát, thể hiện rõ sự chết chóc, đúng như một review sớm đã nói: “Mấy màn chiến đấu trong The Witcher làm cho mấy màn đánh nhau trong Game of Thones trông chả khác gì cảnh mấy thằng say đập nhau ở quán rượu”. Rõ ràng việc được đầu tư mạnh tay hơn khiến cho đây trở thành thế mạnh của The Witcher

seri the witcher

Về hiệu ứng âm thanh, âm nhạc:

Có hai tông âm nhạc chính trong phim: một tông nhạc đồng quê, dân gian được lồng rất khéo qua mấy bài hát của tay nhạc công Jaskier, và một tông nhạc epic, hào hùng cho những màn chiến đấu. Bạn nào từng chơi game The Witcher: Wild Hunt và chìm đắm trong những soundtrack cực đỉnh của nó sẽ tìm thấy lại những cảm giác ấy trong phim.

Những đoạn nhạc cao trào hoàn toàn có thể sánh ngang với “Rains of Castamere” hay đoạn nhạc intro bất hủ của Game of Thrones. Ngay tại season 1 của phim, có ít nhất 3-4 khoảnh khắc mà nhạc phim, kịch bản, góc quay phim và sự diễn xuất của diễn viên hòa quyện với nhau hoàn hảo tạo nên những phân cảnh khiến người xem thực sự … rùng mình và không thể nào quên. Nhớ lại thì xét cả 8 season của Game of Throne cũng chỉ có không quá 10 khoảnh khắc “đỉnh” như vậy.

 



 
 
 

Về kịch bản

The Witcher là một seri dài hơi, để đánh giá nội dung của nó không thể chỉ xem 1 tập, hay thậm chí 1 season mà đã tổng kết được. Game of Thrones khi mới chiếu Mùa 1 cũng đa phần chỉ là hút fan từ truyện ra, còn những ai chưa từng biết đến truyện lúc đó cũng có chung một nhận xét như với The Witcher hiện tại: rối rắm, nhiều chi tiết lê thê và quá nhiều nhân vật, quốc gia lộn xộn.

seri the witcher

Mục tiêu của mùa 1 chỉ là giới thiệu nhân vật, phải đến mùa 2 hoặc 3, câu chuyện chính của phim mới thực sự được bắt đầu khi mà khán giả đã làm quen được với bối cảnh và các thế lực trong phim.

Do vậy, để phán xét về kịch bản vào thời điểm hiện tại là quá sớm, tuy nhiên điểm cộng của phim là bám cực sát với truyện, từng chi tiết nhỏ nhất như màu mắt, màu tóc, từng vết sẹo hay từng đặc điểm nhỏ nhất của mỗi nhân vật đều được thể hiện chi tiết, điều này ngay cả Game of Thrones cũng chưa từng làm được.

Ngay cả ở những mùa đầu vốn được chính tác giả giám sát thì biên kịch vẫn cứ nổi hứng biến tấu đi vài thứ mà khiến chính tác giả cũng không đồng tình, tất nhiên một vài thứ khác biệt đó là những sáng tạo tốt, nhưng chẳng hạn như cặp mắt tím của gia tộc Targaryen chưa từng được xuất hiện trên màn ảnh rõ ràng là khiến nhiều người không hài lòng.

seri the witcher

Triết lý của phim tương đồng với Game of Throne ở chỗ: không có người hùng, không có ai tốt đẹp cả, mỗi người đều xấu xa theo cách của riêng mình.

Tuy nhiên, “đặc sản” của The Witcher là những quái thú, những phù thủy, pháp sư, rồng xuất hiện khắp nơi, và chúng không phải chỉ sinh ra để tạo chút giật gân chém giết cho vui, đằng sau chúng đều là một câu chuyện, một quá khứ mà càng tìm hiểu, ta càng cảm thấy bối rối: liệu quái vật là những sinh vật độc ác và con người là nạn nhân, hay là ngược lại mới đúng?

Về phong cách truyền tải:

Phim đan xen giữa quá khứ và thực tại, mô típ này chúng ta đã gặp ở rất nhiều phim.

Tuy nhiên sự khác biệt là đa số phim cho người xem một cái mốc thời gian, để người xem nắm bắt được thời điểm của phân cảnh, hoặc có những nhân vật đóng vai trò làm người dẫn chuyện, làm nhiệm vụ “kể” và “ giải thích”.

Mỗi người một gu, nhưng cá nhân mình cực ghét điều này, ghét mấy ông tiến sĩ hay nhà sử học được chêm vào chỉ để kể lể và giải thích, ghét những dòng chữ hiện lên “ Năm xxxx, tại abc, xyz”. Vì sao à? Mình có đọc được đâu đó một câu nói thế này: “Nếu anh làm phim xong rồi lại phải đi chú thích và giải thích cái phim đó, vậy phim của anh không đủ tốt rồi”.

seri the witcher

Mình cũng thích cái khái niệm về “ngôn ngữ điện ảnh”, “Show, do not tell” – Thể hiện ra, chứ đừng kể.

Đây là một bộ phim, không phải một kênh truyện audio, việc của một câu chuyện là kể, một bộ phim thì khác, truyền tải bằng hình ảnh, bằng âm thanh, bằng diễn xuất của những người thực.

Không nhất thiết phải vừa khóc vừa la lên “Em đau lắm, em buồn lắm, em sợ lắm”, hãy thể hiện điều đó bằng những khung hình, để người xem đồng cảm với nhân vật, cảm nhận tất cả những nỗi đau, nỗi sợ, nỗi buồn ấy mà thậm chí không cần một câu nói hay một giọt nước mắt nào cả, đó mới là đỉnh cao của điện ảnh.

seri the witcher

Seri The Witcher cũng thế, đừng ngồi tìm mấy dòng chú thích hay đợi có ông sử học nào đó nhảy bổ ra kể cho bạn bla bla bla, hãy nhập tâm vào từng cảnh quay, từng cái tên, từng đoạn hội thoại, bạn sẽ nắm bắt được dễ dàng thôi.

Ví dụ một nhân vật A cảnh trc là một ông trung niêm tầm 40-50, nhưng cảnh sau thấy gọi tên nhân vật A những lại thấy một thằng nhóc cỡ 10-15 tuổi chạy ra, vậy là bạn có thể hình dung được bối cảnh rồi phải không?

 seri the witcher

Bapstory.net nghiêng về cách kể truyện như thế này, làm người xem ngỡ ngàng, vừa tò mò và cũng rất thỏa mãn, hào hứng khi bắt gặp một cái tên, một khung cảnh quen thuộc rồi tự giải ra được một câu đố nho nhỏ của đạo diễn, cũng là cách dẫn dắt họ đến với quá khứ một cách rất tự nhiên.

Những ‘hạn sạn’ rơi vụn trong phim

Thế nhưng, không có một bộ phim nào là hoàn hảo cả, vẫn còn những hạt sạn mà hy vọng Seri The Witcher sẽ khắc phục ở mùa sau: lời thoại chưa thực sự “đắt giá”, có một số câu châm ngôn rất hay, nhưng bên cạnh đó là nhiều câu thoại khá loằng ngoằng làm người xem khó hiểu.

seri the witcher

Những thông tin về các vương quốc, về cuộc chiến giữa các quốc gia phương Bắc với phương Nam được cung cấp quá ít, ai không có nền tảng kiến thức từ trước về vấn đề này thì xác định … chả hiểu phe nào đang đánh phe nào.

Thêm nữa là phim không có được một nhân vật phản diện thực sự: mấy con quái không đủ trình, phản diện chính chỉ là một tên tướng địch đi lùng bắt một cô bé, thêm một mớ phản diện phụ khiến cho số lượng “kẻ ác” rất nhiều nhưng chưa được khắc họa một cách có chiều sâu. Hy vọng qua những season sau khi mà câu chuyện thực sự tiến triển ta sẽ được gặp những kẻ phản diện xứng tầm.

About The Author

Ngo David

Power is Power