Phân tích The Witcher tập 4: Luật Bất ngờ và sức mạnh tuyệt đối của Định mệnh

Phân tích The Witcher tập 4: Luật Bất ngờ và sức mạnh tuyệt đối của Định mệnh

Trước hết hãy nói về cái tiêu đề tập phim: Đại tiệc, kẻ khốn và mai táng. Điểm qua một chút về ý nghĩa này: “Đại tiệc” chắc chắn là tiệc cầu hôn tại hoàng cung Cintra rồi, nơi hai mẹ con Calanthe và Paveta cùng kết hôn. “Kẻ khốn” thì có cả rổ: ông vua đã ra lệnh giết con mình, bà nữ hoàng nộp mạng con để mong sống, hay là tên Jaskier đi gạ gẫm vợ người ta, vân vân và mây mây, nói chung là kẻ khốn everywhere. “Mai táng” là phân cảnh Yennefer chôn cất đứa bé mới sinh. Mạch truyện tại hoàng cung Cintra cũng được chuyển thể từ một chương truyện rất xuất sắc trong tiểu thuyết The Witcher mang tên A Question Of Price – Vấn Đề Giá Cả.

Về biểu tượng của tập phim: Một cái cây cổ thụ cuốn quanh một lưỡi kiếm đã gãy. Cây cổ thụ chính là cây thần trong rừng Brokilon, ngoài ra thì biểu tượng này cũng liên hệ đến Dòng Máu Cổ Xưa, một gia tộc rất xa xưa mà Ciri là hậu duệ duy nhất còn sót lại. Còn lưỡi kiếm gãy là một liên hệ tới chương truyện Sword of Destiny – Thanh Kiếm Định Mệnh của tiểu thuyết.

Cảnh đầu tiên của Ciri hé lộ thêm một khả năng nữa của cô (bên cạnh việc la hét): dịch chuyển tức thời đi muôn nơi. Và cảnh này cũng cho thấy luôn là cô chưa kiểm soát được sức mạnh của mình, khi vô thức đi lạc lung tung và không biết tại sao mình có thể làm được. Theo nguyên tác thì ngoài việc dịch chuyển đến bắt cứ đâu trong cùng một thế giới, cô còn có thể dịch chuyển tới cả những thế giới khác, dịch chuyển xuyên cả thời gian tới quá khứ và tương lai. Nghe đâu từng có thời gian cô dịch chuyển sang một vũ trụ khác, gia nhập một hội Vô Diện gì đó, ngứa mắt đứa nào đâm chết đứa đó cho zui, trong đó có một thằng già da trắng bệch mắt xanh lè, nhưng cuối cùng chẳng được ai tuyên dương nên chán quá lại dịch chuyển về. Nhân tiện thì mấy ông mấy bà hay chửi cái cảnh ở phim nào đó, anh già da trắng bệch mắt xanh lè bị đâm chết bởi một con bé không biết nhảy từ đâu ra khi mà mấy phút trước nó đang ở trong phòng xa tít, thì ngưng được rồi nha, gì chứ dăm ba mấy vụ teleport dịch chuyển tức thời này bên vũ trụ tụi tui nó là chuyện quá là bình thường luôn.

Tiếp đến ta được thấy Geralt lập thêm một chiến công nữa, giết một tên “người hải cẩu”, nguyên gốc là selkiemore, chi tiết về loài này Bắp sẽ tổng hợp tại một bài viết riêng, nói sơ qua thì đây là một sinh vật trong truyện cổ dân gian Scotland có thể biến hình qua lại giữa hải cẩu và người, đặc biệt là khi bị đâm thì nó sẽ … chết.

Tại cảnh Jaskier tắm cho Geralt (???!!!), Jaskier có nói Geralt bỏ cái kiểu gằn lên thô lỗ như vậy đê. Ngoài lề một chút là cái kiểu “Hmm, Hmm” như vậy là Henry bê nguyên xi từ Geralt trong game ra, và rõ là nó làm không chỉ anh em game thủ mà cả những người chưa từng chơi game cũng thấy rất vui nhộn, vì ảnh meme chế vụ này đầy trên mạng. Cứ như là các nhà làm phim đã đi trước tới tương lai, đọc hết mấy comment, like hết mấy cái ảnh meme chế, sau đó về mới thêm câu đùa này của Jaskier vào kịch bản vậy.

Cảnh tại bữa tiệc hoàng cung, nếu các bạn chú ý một chút sẽ thấy được sự sắp đặt rất tinh tế những chi tiết giúp chúng ta hình dung được thời điểm diễn ra cảnh này: “Sư Tử Cái” Calanthe (bà ngoại của Ciri) lúc này mới chuẩn bị thành hôn với Eist Tuirseach (ông ngoại kế của Ciri), trong khi công chúa Pavetta là mẹ của Ciri mới đang tuyển chồng. Như vậy dòng thời gian của câu chuyện này xảy ra ở thời quá khứ trước khi Ciri ra đời khoảng 1 năm (vì cuối tập này mẹ Ciri phát hiện mình mang thai, và Ciri cũng không có anh chị em nào cả).

Ngoài lề một chút, có anh em nào cảm thấy mặt bà Calanthe rất quen không? À thì bả chính là bà phù thủy đã tiên đoán tương lai của Nữ Hoàng Cersei thời trẻ trong serie Game of Thrones, bả cũng có quyền năng du hành giữa các thế giới, sau khi xấu tính spoil trước bao nhiêu là nội dung của Game of Thrones, bả sợ bị dân tình đuổi đánh nên trốn qua đây làm nữ hoàng cho yên ổn. Thực ra chỉ là trùng diễn viên thôi, anh em đừng quá mất công suy luận làm gì nhiều, hại não ra.

Khu rừng mà Ciri dịch chuyển tới có tên là Brokilon, còn được gọi là Rừng Chết, nằm ở giáp ranh giữa các vương quốc phương Bắc với các phương quốc phương Nam, nằm ở biên giới của Nilfgaard, tức là đã ra luôn khỏi biên giới Cintra. Đây là vùng đất hiếm hoi không hề có bóng người, chỉ có các loài khác sinh sống và được cai trị bởi các dryad – những vị thần rừng, họ cũng không cho bất cứ con người nào bước chân tới đây. Điều này lí giải cho việc bắt uống nước, và vì sao Dara và Ciri đều vượt qua bài kiểm tra, vì Dara là 1 yêu tinh, còn Ciri thì mang trong mình dòng máu cổ xưa chứ không phải là một con người tầm thường.

Tại đây, bà trùm rừng cũng có nhắc tới sự kiện Sự Tụ Hội Của Các Thiên Cầu.

Sự kiện này diễn ra tại Lục địa, hàng loạt cổng không gian mở ra, và quái thú đủ hình hài tràn xuống thế giới đang chẳng mấy yên ả. Tuy nhiên chính sự kiện này cũng đưa Ma thuật tràn vào thế giới, và từ đó sinh ra những hội đồng nghiên cứu thứ tài nguyên khác lạ này, nhằm cứu giúp nhân loại, trục lợi cá nhân hay lập ra những thế lực ngầm chi phối thế giới.

the witcher tập 4

Tại bữa tiệc hoàng cung ở Cintra, hai tay lãnh chúa tranh cãi nhau về con manticore có mấy ngòi, một người nói hai, người kia nói năm, nhưng thực ra thì manticore chỉ có một ngòi thôi bà con ạ, giống với cái đuôi của con bọ cạp. Cả hai tên kia thực chất đều chưa gặp con nào cả mà toàn là chém gió, còn Bắp tui thì đã chu du khắp các vũ trụ và giết phải cỡ vài ngàn con manticore rồi nên tui còn lạ gì cái giống này. Anh em phải tin tôi, tôi đã lừa anh em bao giờ chưa? Ở phân cảnh này cũng xuất hiện một câu triết lý kiêm luôn cà khịa rất hay của Geralt: “Tôi chỉ mong các ngài đừng tè ra quần khi lưỡi kiếm kề vào cổ, và chết một cái chết không bốc mùi. Nhưng khó đấy”

Câu chuyện giết lũ yêu tinh ở rìa thế giới, chính là đoạn cảnh ở tập 2 Geralt và Jaskier bị bắt trói bởi nhóm elf của Filavandrel, chắc hẳn là đã có phiên bản ballad nào đó của anh nhạc sĩ mà ở đó Geralt đã đồ sát toàn bộ lũ elf và thoát ra. Nhân tiện nói đến chuyện này thì anh da đen Dara đi cùng Ciri cũng là một elf, ngoài dấu hiệu nhận biết là tai nhọn ra thì ta được nghe kể về chuyện bà cùa Ciri, nữ hoàng Calanthe đã gây chiến, tàn sát người elf như thế nào. Đoạn này cũng có nhắc tới một tình tiết liên hệ chặt chẽ với tập 2: đó là cuộc nổi dậy của Filavandrel. Ta còn nhớ ở tập 2 khi Geralt bị Filavandrel bắt trói, dòng thời gian ở tập này là trước khi Ciri sinh ra, tức khoảng hơn mười năm trước, Geralt đã khuyên Filavandrel hãy nổi dậy chiến đấu, và qua lời kể của Dara ở dòng thời gian của Ciri, ta biết rằng Filavandrel đã nổi dậy, và kết quả là bị dìm trong biển máu.

Tại bữa tiệc, nữ hoàng Calanthe có hỏi tay lãnh chúa Nilfgaard một câu: “Ai sẽ đoạt được vương miện của Usurper?”. Usurper là kẻ đã cướp ngôi hoàng đế của Nilfgaard và tự xưng là vua. Tình hình Nilfgaard thời này rất loạn khi mà nội chiến liên miên không ai phục ai hết, vậy cho nên mới có chuyện không thấy hoàng tử hay vua của Nilfgaard đến cầu hôn mà chỉ thấy lãnh chúa. Tuy nhiên sau này, ở dòng thời gian của Ciri (khoảng hơn mười năm sau) ta thấy rằng Nilfgaard đã trở thành một cường quốc rất giàu mạnh, đi xâm chiếm khắp nơi. Ai đoạt được vương miện của Usurper và đoàn kết Nilfgaard lại? Đây là một chi tiết mà biên kịch đã nhá hàng gợi ý bằng một câu hỏi, nhưng đang cố giấu đi câu trả lời, nên mình sẽ không spoil ra, mình chỉ khuyến cáo anh em lưu ý đến điều này, sẽ cực kỳ sốc và thú vị luôn.

the witcher tập 4

Tại cảnh Yennefer hộ tống nữ hoàng, ta thấy Yen nói với nữ hoàng rằng cô đã phục vụ triều đình suốt ba thập kỷ, nghĩa là mốc thời gian bắt đầu của những sự kiện thuộc dòng thời gian này là khoảng 30 năm sau khi Yen tốt nghiệp tại Aretuza.

Quay lại cảnh bữa tiệc, có một chi tiết đáng chú ý là việc nữ hoàng Calanthe hỏi Geralt rằng tại sao còn rất ít witcher, và anh trả lời rằng kể từ sau khi Kaer Mohen thất thủ, không còn witcher nào được đào tạo thêm nữa. Để hiểu chi tiết về sự kiện này, các bạn có thể xem bộ phim spin-off hoạt hình thuộc vũ trự The Witcher cũng do Netflix sản xuất mang tên The Nightmare of the Wolf – Ác Mộng Của Sói. Nói một cách tóm tắt, trong quá khứ, pháo đài Kaer Mohen là nơi tạo ra các witcher thông qua rất nhiều độc dược và ma thuật bí truyền, nhưng trong một lần bị tấn công bởi nông dân dưới sự trợ giúp của pháp sư, Kear Mohen đã thất thủ, các witcher bị thảm sát chỉ còn một số ít sống sót và công thức bí mật để tạo ra witcher cũng đã bị thất lạc.


Ngay sau cuộc trò chuyện ngắn giữa nữ hoàng Calanthe và Geralt, một hiệp sĩ giấu mặt xông vào tiệc cầu hôn. Chiếc mũ bị hất văng ra và bùmmmmmmm, I’m Sonic the Hedgehog!, thực ra đây là người anh trai khác cha khác cả mẹ của Sonic, có tên là Urcheon. Và việc Geralt từ chối yêu cầu của Calanthe đòi giết Sonic, nhầm, Urcheon, ta có thể thấy được thêm một điều đáng quý của anh, anh chỉ giết quái vật, anh đủ từng trải để hiểu không phải cứ ngoại hình kỳ dị là quái vật và ngược lại. Ở phân đoạn hộ tống Nữ hoàng của Yen, ta cũng có thể thấy được rõ nét về điều này: Vị nữ hoàng xinh đẹp, cao quý sẵn sàng nộp mạng con để mình được sống, còn người từng bị coi là quái vật như Yen lại liều mình cứu đứa bé, vậy ai mới thực sự là quái vật?

the witcher tập 4

Một điểm nữa mình thích ở phim, đó là nghệ thuật quay phim rất đẹp, chọn góc quay rất tinh tế, luôn show vừa đủ những thứ cần show, che đi những thứ muốn che, các bạn để ý sẽ thấy rất nhiều những đoạn lia máy quay kiểu như này suốt loạt phim. Mình có thể ví dụ một cảnh Geralt cứu Urcheon, góc quay cố tình tập trung vào tên lính, để ta không nhìn thấy được cảnh Geralt đứng dậy, rút kiếm, và lao tới, chỉ nhìn thấy Geralt không hiểu ở đâu chui ra đã đứng sẵn ở đó. Một cách tạo sự bất ngờ nhưng nó không hề vô lý nhờ vào nghệ thuật chọn góc quay.

Và giờ chúng ta sẽ đến với một trong những màn đánh đố đỉnh cao nhất Season 1 đây: Luật Bất Ngờ.

Các bạn biết tại sao nó được gọi là Luật Bất Ngờ không? Bởi vì phim quăng nó lên xong không thèm giải thích cụ thể gì cả thì khiến cho bà con bất ngờ muốn chết luôn chứ còn gì nữa, mỗi ông suy diễn theo một kiểu khác nhau rồi cãi nhau tùm lum. Đùa chút thôi, luật này được lấy cảm hứng từ những câu truyện thần thoại Ba Lan và vùng Slavic. Nội dung của nó chỉ đơn giản như thế này thôi: Khi người A thực hiện một hành động vô cùng cao đẹp với người B, ví dụ cứu mạng B hoặc một người rất thân thiết với B, khi đó A có quyền đòi phần thưởng là một vật mà người B chưa sở hữu, nhưng sẽ có trong tương lai, nhưng không được phép nêu rõ là thứ gì. Ý nghĩa của luật này là dù người A đòi phần thưởng, nhưng cũng không biết mình sẽ nhận được cái gì, vậy thì phần thưởng này là do định mệnh quyết định, và vì thế, đây được coi như là một luật tối cao, nếu B từ chối có nghĩa là kháng lại định mệnh. Tinh thần của luật là như vậy, còn diễn giải cụ thể nó như thế nào là tùy vào người “kích hoạt” luật, có thể sẽ khác biệt đôi chút với mỗi người – miễn rằng người đó không được phép nêu đích danh vật đó là gì. Điều này lí giải cho việc nội dung Luật của Urcheon và Geralt có khác nhau đôi chút, với Urcheon: “Món quà bất ngờ đầu tiên ngài nhận được khi trở về nhà sẽ là phần thưởng của tôi”, với Geralt: “Trao cho tôi thứ anh đã có nhưng chưa biết”. Một điều rất quan trọng về Luật này mà chắc hẳn nhiều bạn chưa đọc truyện sẽ không biết: với trường hợp Đứa Trẻ Bất Ngờ, Luật chỉ thực hiện được khi đích thân Đứa Trẻ Bất Ngờ chấp nhận luật, chứ không phải cha mẹ nó hay bất kỳ ai khác. Nếu Đứa Trẻ từ chối thì chứng tỏ đây không phải là định mệnh, và Luật sẽ bị hủy bỏ.

Nói thêm một chút thì trường đoạn Urcheon và Pavetta chính là bản sao của câu truyện Người Đẹp Và Quái Vật: “chàng” bị nguyền rủa thành lốt quái vật, chỉ có thể trở về hình dạng người sau 12 giờ đêm, “nàng” yêu “chàng” bất chấp ngoại hình, và nụ hôn của “nàng” đã giải lời nguyền cho “chàng”. Nhưng mà nhìn vào việc Ciri phải sống với bà, không có cả cha lẫn mẹ thì ta có thể hình dung là chả có vụ “hạnh phúc mãi mãi về sau” rồi. Câu chuyện này hẹn anh em, mình sẽ phân tích chi tiết trong một bài viết riêng.

Cảnh ở bãi biển của Yennefer tâm sự với đứa bé mới sinh cũng là một trong những phân cảnh mình thấy khá đắt giá trong tập này. Những lời tâm sự của Yen khiến chúng ta hiểu được lí do cô liều mình cứu đứa bé. Không phải chỉ vì việc Yen bị vô sinh và khao khát có một đứa con, mà còn vì Yen nhìn thấy được nhiều sự tương đồng giữa số phận đứa bé và chính mình. Đứa bé đó dù mới sơ sinh, nhưng đã bị cả bố và mẹ mình từ bỏ, bố thì thuê sát thủ giết, mẹ thì sẵn sàng nộp mạng con. Cả xã hội này chẳng có ai chào đón nó, nó hoàn toàn cô độc, như Yen vậy.

Tập phim kết thúc bẳng phân cảnh của Ciri, với một câu hỏi “Cô bé là ai?” Một câu hỏi mà chúng ta sẽ phải mất nhiều năm theo đúng nghĩa đen để tìm hiểu, với thêm nhiều mùa phim nữa, nhiều âm mưu, ám sát và cả những cuộc chiến đẫm máu xuyên suốt cả bộ tiểu thuyết chỉ để trả lời câu hỏi kinh điển này.

About The Author

Tiểu Yến

You may say I'm a dreamer, but I'm not the only one