Phân tích cốt truyện The Witcher – Thằng Witcher

Phân tích cốt truyện The Witcher – Thằng Witcher

Thân chào bà con, tiếp tục là seri săm soi truyện và phim xem sự giống và khác đây. Kỳ này sẽ là phân tích về chương truyện “The Witcher” – tạm dịch là “Thằng Witcher”, chương truyện này được chuyển thể lên phim thành phân đoạn ở tập ba: Geralt đi giải lời nguyền cho công chúa con gái vua Foltest bị biến thành một con striga rất xinh đẹp dễ thương.

Điểm khác biệt rõ nhất mà có lẽ nhiều bạn đã biết sau khi đọc những phát biểu của nhà sản xuất phim, đó là phân đoạn này trong truyện hoàn toàn không xuất hiện Triss Merigold. Triss trong truyện xuất hiện rất muộn, và đóng một vai trò khá là mờ nhạt, trong game thì có khá hơn chút, nhưng xét cho cùng thì cô vẫn chỉ là một nhân vật phụ thôi nếu đem so với bộ ba Geralt, Yen, Ciri. Vai trò của Triss trên phim gặp gỡ Geralt và kể cho anh nghe về con striga, thì trong truyện nhiệm vụ này là của Velerad, một lãnh chúa dưới quyền vua Foltest, nói chung nhiệm vụ chạy loăng quăng kể chuyện thì ai làm chả đc anh em ha.

Khác biệt thứ hai là về ngoại hình cũng như tính cách của Foltest: trong truyện miên tả ông tầm dưới 40 tuổi, gầy và có một gương mặt đẹp, quá đẹp. Không hiểu sao lên phim ông trở thành phiên bản Robert Baratheon 2.0: béo, ham ăn và rất cục súc. Cuộc hội thoại đầu tiên của Foltest với Geralt trong truyện rất ngắn gọn, Foltest chỉ hỏi vài câu, sau đó bỏ đi và giao lại cho ba cận thần tiếp Geralt, thể hiện rõ khí chất của bậc đế vương: cao ngạo, lạnh lùng, không lèm bèm như một thằng nghiện rượu như trên phim.

Phân tích The Witcher

Tại cuộc nói chuyện sau đó giữa Geralt cùng ba người cận thần của vua Foltest, một số thông tin thú vị cũng được hé lộ mà phim không nhắc tới: Foltest không cho phép bất cứ ai gọi con striga là… striga, mà phải gọi là công chúa. Cái này chắc anh em cũng hiểu, bậc cha mẹ nào mà chả nghĩ con mình ngoan lắm, xinh đẹp lắm dù cho nó có xấu như quỷ hay nghiện lòi, ăn chơi tứ đổ tường, ông chủ nhà nào mà chẳng “vào đi cháu, chó nhà chú hiền lắm không cắn đâu”, và đặc biệt mấy ông si tình thì crush có nhìn như striga thì cũng vẫn thấy như đệ nhất mĩ nhân. Điều này dẫn tới một đoạn hội thoại khá là nhộn trong truyện:

Geralt: Tôi muốn nghe miêu tả về stri… công chúa.

Velerad bật dậy khỏi ghế la toáng lên: “Công chúa trông như một con striga! Như một con striga striga nhất ta từng nghe! Nữ điện hạ, đứa con hoang bị nguyền rủa, cao gần hai mét, người trông như một thùng bia, hàm rộng từ mang tai đến mang tai và răng sắc như dao cạo, mắt đỏ với mái tóc bùi nhùi như giẻ lau sàn! Móng vuốt như mèo rừng, cong xuống đất! Ta ngạc nhiên là chúng ta vẫn chưa gửi chân dung con bé tới các nước láng giềng đấy! Công chúa, bệnh dịch bắt nó đi, đã gần 14 rồi. Đã tới lúc nghĩ tới việc cho nó cưới chồng!”

Trong truyện, có một cuộc nói chuyện lần thứ hai của Foltest với Geralt, lần này là Foltest chủ động tới gặp riêng Geralt sau khi bỏ đi ở lần gặp gỡ đầu tiên. Cá nhân mình thấy đây là chi tiết bị lược bỏ đáng tiếc nhất của chương này. Cuộc trò chuyện này rõ ràng là gợi mở một con người khác hoàn toàn của Foltest, khi ông cởi bỏ lớp vỏ một vị vua, chỉ còn là một người cha đang cố cứu đứa con gái, một người chồng đau buồn vì mất vợ, một con người tuyệt vọng đi tìm kiếm sự giúp đỡ. Đau buồn, si tình, một chút cố chấp, nhưng lại rất thực tế và không hề mù quáng, thậm chí nhà vua đã thẳng thắn gọi con striga là striga, không còn gọi là công chúa nữa.

Phân tích The Witcher

Không giống như trên phim thể hiện một tên vua thụ động, có phần hơi… đần đần, Foltest trong truyện là một con người cực kỳ sắc sảo, luôn ý thức được việc mình làm, và hiểu rõ cái giá phải trả trong trường hợp xấu nhất và chấp nhận trả nó.

Foltest biết rằng có những người muốn thuê Geralt giết con striga thay vì giải nguyền, biết rằng cũng có khả năng Geralt sẽ buộc phải giết công chúa để tự vệ, nhưng ông vẫn chấp nhận rủi ro. Thậm chí, ông còn nghĩ xa hơn, tới cả những năm tháng về sau này, chứ không phải chỉ là một trận chiến trước mắt: “Nếu ngươi hóa giải được lời nguyền và con bé… không bình thường. Nếu ngươi có dù chỉ là một chút nghi ngờ rằng mình chưa hoàn toàn thành công, hãy giết nó”. “Ta nghĩ là con bé đã chịu đựng đủ rồi”.

Ông muốn chấm dứt nỗi thống khổ con gái ông phải chịu đựng càng sớm càng tốt, dù là bằng cách này hay cách khác. Giải thoát cho con gái cũng là giải thoát cho mười bốn năm đau khổ dằn vặt của chính ông. Không giống như phim thể hiện Foltest hoàn toàn bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào Geralt, truyện mô tả Foltest kỹ hơn, toàn bộ những khả năng, những tình huống đều là do Foltest chủ động đưa ra, ông đã liệu trước mọi việc, và chủ động hoàn toàn với mọi tình huống. Không phải tự dưng mà truyện khắc họa ông là một vị vua trí dũng song toàn, hai lần đối đầu trực diện với Nilfgaard trong cả hai cuộc chiến lớn, và thể hiện cả tài ngoại giao của mình trong những lần đàm phán hòa bình. Thực sự Foltest là nhân vật mình thấy lên phim bị dìm thê thảm nhất trong cả Season 1 của phim, tuy nhiên vào các Season sau, mình tin là chúng ta sẽ dần thấy được tài năng của ông thôi.

Phân tích The Witcher

Về phần Geralt, anh cũng chia sẻ những quan điểm rất sâu sắc. Trước việc một nhóm cận thần của nhà vua sẵn sàng trả anh tiền để giết quách con striga đi, không cần quan tâm tới yêu cầu của nhà vua là giải lời nguyền, anh chiêm nghiệm: “Như một quy tắc, con người đơn giản chỉ muốn bảo vệ bản thân mình trước nguy hiểm”. Cô công chúa chỉ là nạn nhân của một lời nguyền độc ác, Foltest cũng thế, Adda cũng thế, nhưng chẳng ai quan tâm. Khi hiểm nguy đến, chẳng mấy ai quan tâm đến câu chuyện của con quái vật hay bận tâm đến chuyện giải lời nguyền, chẳng mấy ai quan tâm đến hoàn cảnh của Foltest, hay của bất cứ ai, họ đơn giản chỉ cần giữ cho bản thân an toàn là được. Rốt cuộc, Foltest, Adda, cô công chúa là kẻ xấu, hay kẻ đã độc ác thốt ra lời nguyền rủa một sinh linh vô tội mới là con quái vật thực sự? Chẳng ai quan tâm. Con người chỉ cần cứu bản thân mình trước đã.

Cuộc chiến kinh điển giữa Geralt với con striga được thể hiện chuẩn xác theo nguyên tác, nhưng chương truyện mô tả chi tiết đem đến cho ta một cái nhìn rõ hơn về bản chất của trận đấu: đây không phải trận đấu giữa người anh hùng và con quái vật, mà là một cuộc chiến giữa hai con quái vật. Để giết con quái vật, đôi khi bạn phải trở thành con quái vật khủng khiếp hơn nó. Đôi lúc, con striga thậm chí còn phải hoảng sợ bỏ chạy trước sát khí, sự tàn bạo, khát máu kinh khủng toát ra từ Geralt.

Phân tích The Witcher

Giống như phim, công chúa là nạn nhân của một lời nguyền, có kẻ tức giận vì mối tình loạn luân giữa Foltest và Adda và đã nguyền rủa cả gia đình này, nhưng là ai? Trên phim thì Geralt đã chỉ đích danh Ostrit, một cận thần của vua Foltest, đã làm điều này do ông ta yêu Adda. Điều này đúng một phần với trong truyện, nhưng chưa đủ, vì trong truyện Ostrit chưa từng thừa nhận tội ác này, mà còn một nghi phạm thứ hai: chính là mẹ của vua Foltest. Vậy ai mới là thủ phạm đích thực? Đây chính là điểm thú vị của truyện, mẹ của Foltest đã chết từ lâu, Ostrit cũng chết trước khi Geralt kịp tìm ra sự thật, và thủ phạm của lời nguyền mãi mãi là một dấu hỏi. Mình thích cái cách để ngỏ ra những câu hỏi và khiến người đọc cứ suy tư, băn khoăn mãi về sau như vậy của truyện, hơn là nói toẹt ra như trong phim.

Có thể Ostrit không phải là người tạo ra lời nguyền, nhưng ông ta cũng đã cố gắng cản trở việc giết striga, cũng không cho ai giải lời nguyền, mục đích là để con striga tàn phá thật nhiều, giết thật nhiều người, khi đó nhân dân sẽ phẫn nộ nổi dậy lật đổ ngôi vua của Foltest, rốt cuộc cũng chẳng ai tốt đẹp cả, chẳng ai có đủ khả năng phân định ai có tội, ai không, thế giới này vốn dĩ chẳng có đen hay trắng, chỉ có một màu xám thôi.

About The Author

Tiểu Yến

You may say I'm a dreamer, but I'm not the only one