Điểm qua những kiến trúc trong thế giới thực được sử dụng trong các cảnh quay của The Witcher
Một số những địa điểm, kiến trúc ngoài đời thực đã được đoàn phim cất công tìm hiểu và áp dụng vào các cảnh quay trong The Witcher. Bạn sẽ ngạc nhiên vì hầu hết được sử dụng một cách chân thật mà không hề dựng phông xanh để thêm thắt kỹ xảo vào đó.
Có lẽ Mùa 1 chỉ là màn dạo đầu nên bối cảnh chưa được hoa lệ và hoành tráng như những đại cảnh chúng ta thường thấy trong một số bộ phim cùng thể loại, mà chỉ là tận dụng một phần hoặc một góc nào đó của bối cảnh mà thôi.
Cổng thành Vương quốc Cintra
Hình ảnh quen thuộc từ cuộc tàn sát tại Cintra – khi Mousesack cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công của Nilfgaard ở cổng – đã được quay tại pháo đài Monostor thế kỷ 19 tại Komárom. Đây là pháo đài nằm ở Hungary bên cạnh biên giới Slovakia, nó từng tạm thời được sử dụng làm kho đạn dược khổng lồ của Liên Xô sau Thế chiến II và hiện nay trở thành một bảo tàng.
Trận chiến giữa Geralt và Striga
Lâu đài bị bỏ hoang ở Vizima, thủ phủ của vương quốc Temeria, nơi Geralt giải lời nguyền cho Striga được quay tại Lâu đài Kreuzenstein ở Leobendorf, ngay phía Bắc Vienna, thủ đô nước Áo.
Toà lâu đài toạ lạc bên dòng sông Danube này đã từng được sử dụng làm phim trường trước đây và được xây dựng trên phần còn lại của một lâu đài thời trung cổ đã bị phá hủy trong Cuộc chiến Ba mươi năm.
Nó được xây dựng lại vào thế kỷ 19 bởi Bá tước Nepomuk Wilczek, người này dự định sử dụng nó như một căn hầm lớn cho gia đình. Vật liệu xây dựng được sử dụng từ thời trung cổ được mua từ khắp châu Âu để tạo nên một lâu đài hoàn chỉnh, vì vậy nó là một cấu trúc vừa nguyên bản vừa hiện đại (còn gọi là tân cổ điển).
Trận chiến của Yennefer và thần Djinn
Trận chiến giữa Yen với thần Djinn diễn tại pháo đài Rinde của vương quốc Redania, họ đã chọn một cảnh quay tại lâu đài Tata ở Hungary.
Nó được xây dựng vào giữa thế kỷ 15 bởi Sigismund của Luxembourg và nằm trên bờ hồ Öreg (Địa điểm này đã xuất hiện từ thời tiền sử, và là một khu định cư quan trọng của La Mã trong thời Đế chế).
Năm 1543, lâu đài bị người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và trải qua nhiều chủ sở hữu khác nhau trước khi nó bị Habsburg đốt cháy để trả thù cho Rákóczi trong Cuộc chiến vì Độc lập vào thế kỷ 18.
Sau này, nó đã được cải tạo thành lâu đài mà chúng ta nhìn thấy ngày nay.
Trận chiến Sodden
Đối với tòa thành đặc trưng trong Trận Sodden, các nhà làm phim muốn quay ở Ba Lan. Bởi vì nó là quê hương của nhà văn Andrzej Sapokowski, cùng như toàn bộ câu chuyện thần thoại chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hoá của người Slav. Họ đã chọn những tàn tích thời trung cổ của lâu đài Ogrodzieniec, phía bắc Krakow, ở vùng cao nguyên Jura của Ba Lan.
Nó được xây dựng vào thế kỷ 14 hoặc 15 bởi gia đình Włodkowie Sulimczycy và đã được cải tạo, xây dựng nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử.
Một số cảnh chiến đấu trong trận Sodden cũng được quay tại Egri vár Másolata, một lâu đài giả nằm ở thị trấn Pilis ở Hungary. Lâu đài được xây dựng vào những năm 1960 để quay bộ phim Ba Lan có tên “Egri csillagok”” (1968) và đã được sử dụng nhiều lần kể từ đó.
Học viện pháp thuật Aretuza
Địa điểm cuối cùng trong The Witcher mà bài viết muốn nhắc tới chính là Học viện pháp thuật Aretuza. Các nhà làm phim tạo ra nơi này bằng cách thêm một số hiệu ứng kỹ xảo vào một số cảnh quay tại Roque de Santo Domingo. Hòn đá độc đáo này nằm ở đô thị Garafía trên La Palma (một trong những quần đảo Canary) ở Tây Ban Nha.
Nguồn: Reddit