Ký ức về Mùa 8 Game of Thrones liệu có toàn là những điều tồi tệ?

Ký ức về Mùa 8 Game of Thrones liệu có toàn là những điều tồi tệ?

– Jenny of Oldstones –

Trên những tòa sảnh của những vị vua đã khuất

Jenny khiêu vũ cùng những bóng ma

Những người nàng đã đánh mất, và nàng đã lại tìm thấy

Những người đã yêu nàng nhất trên đời này

Những người đã ra đi từ rất rất lâu rồi

Tới mức nàng không còn nhớ nổi tên họ nữa

Họ xoay nàng quay tròn trên những viên đá cũ nát ẩm ướt

Gạt đi những nỗi buồn và đau đớn

Và nàng không bao giờ muốn rời đi

Không bao giờ muốn rời đi

Họ khiêu vũ từ ngày, cho tới đêm

Tới lúc tuyết quét qua những tòa sảnh

Từ mùa đông, tới mùa hè, rồi lại mùa đông

Tới khi những bức tường vụn vỡ và sụp đổ

Và nàng không bao giờ muốn rời đi

Không bao giờ muốn rời đi…

Một ngày trời mưa u ám, tôi, một kẻ mộng mơ hay hoài niệm, lại bắt đầu lục lại mấy thứ suy nghĩ, cảm xúc vẩn vơ vớ vẩn mà mình đã cất giữ trong một cái ngăn tủ nào đó của quá khứ. Trong cái mớ hỗn độn ấy, không thiếu những cảm xúc về mùa phim cuối cùng của Game of Thrones, có vui, có buồn, có xúc động và cả phẫn nộ, tất nhiên phần lớn là phẫn nộ. Nhưng cũng không thể vì điều đó mà phủ nhận rằng, ngay cả trong một mùa phim bị coi là phá nát cả serie, Game of Thrones vẫn có những khoảnh khắc làm thực sự tốt. Trong cái tâm thế đó, tôi ngồi xem lại Tập 2 – A Knight of the Seven Kingdoms.

Chắc nhiều bạn giống tôi, khi xem một tập phim, thứ tôi trông đợi nhất là cảm xúc nó mang lại cho mình, và cả những cảm xúc, suy tư đọng lại sau đó nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng hay nhiều năm. Chắc có lẽ nhiều người đồng ý với tôi, rằng tập 2 của Game of Thrones thực sự là một cơn bão cảm xúc, quá nhiều khoảnh khắc say đắm, buồn, suy tư, những cuộc hội ngộ, những cuộc chia ly và những câu nói sâu lắng. Nhiều đến mức, tôi vừa xem vừa cảm thấy rối hết cả lên, khi đang có một cảnh tôi thực sự xúc động và muốn khắc ghi nó thật lâu, thì lại có một phân cảnh khác sâu lắng không kém hiện ra, tạo nên một cơn bão hỗn loạn những cảm xúc theo đúng nghĩa đen của nó.

trò chơi vương quyền mùa 8

Nhưng, khi khoảnh khắc bài hát Jenny of Oldstone cất lên, nó cuốn sạch luôn mọi sự bối rối, suy tư từ đầu tập phim đến giờ ra khỏi đầu tôi, tôi thậm chí không nghĩ được gì, cứ lặng đi mà mong bài hát đó đừng kết thúc. Để rồi cho dù đã hơn một năm trôi qua từ khoảnh khắc đó, tôi vẫn còn chìm đắm vào những suy tư về giai điệu ấy, những ca từ ấy và những khung hình ấy.

Tôi nhớ đến những lần mình tham dự một đám tang, mỗi lần tiễn đưa một linh hồn rời khỏi thế giới này, chứng kiến những giọt nước mắt, những tiếng khóc than ai oán, tôi lại tự mình đặt ra một câu hỏi, liệu chăng, cái chết có phải điều tệ nhất?

Có những cái chết thật nhẹ nhàng, nhanh chóng, họ chia ly thật nhanh rồi ra đi cũng thật nhanh, cũng có những cái chết đầy đau đớn và vật vã, họ mất hàng tháng trời để tiễn biệt người thương trong đau đớn và tuyệt vọng. Và rồi cuối cùng thì họ chết, chết là hết, là giải thoát mọi đau đớn, mọi muộn phiền thống khổ, là nằm đó trong chiếc quan tài với gương mặt bình yên. Nhưng, với người ở lại, mọi thứ không thể nào dừng ở đó, chẳng có bình yên nào tới với tâm hồn họ, họ sẽ mất bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, hay là mất cả phần đời còn lại đau đớn, nuối tiếc, nhớ nhung, cố bám víu lấy từng hình ảnh, từng ký ức vụn vặt về người đã ra đi, mãi mãi chẳng bao giờ tìm thấy được bình yên.

trò chơi vương quyền mùa 8

Và tôi tự hỏi rằng, cái chết liệu có đáng sợ bằng việc phải tiễn đưa những người mình yêu thương tới với cái chết? Giữa những khung cảnh ai oán ấy, có những lần tôi cũng đã khóc, nhưng lại không phải khóc thương cho người đã khuất, tôi khóc thương cho những người đang sống nhiều hơn. Tôi nhìn những con người đang vật vã thét gào kia, và tôi tưởng tượng ra những tháng năm tiếp theo họ sẽ phải vật lộn với nỗi đau đó như thế nào, và tôi khóc thương cho họ.

Bài hát Jenny of Oldstones là một bài hát như thế, khóc thương cho người còn sống, cho người bị bỏ lại. Mỗi một mùa Game of Thrones ra mắt, người ta lại lo lắng bàn bạc và dự đoán ai sẽ chết? Nhưng chưa từng thấy ai đau lòng thương cảm cho những người không chết, và cũng chẳng ai hiểu cho nỗi đau của họ còn lớn hơn nhiều lần những người nằm xuống.

 



 
 
 

Trong khi những ca từ sầu thảm và da diết ấy cất lên, cảnh phim lướt qua các cặp đôi bịn rịn từ biệt nhau: Arya -Gendry, Dany – Jon, Messandei – Greyworm. Mình nhớ ngay sau khi xem xong tập 2, mình đã có dự đoán rằng tất cả những cô gái trong những cảnh quay này: Arya, Dany, Sansa, Messandei đều sẽ sống sót để “trở thành Jenny”, nhưng rốt cuộc không hoàn toàn đúng. Tuy vậy, kết cục của tất cả những cặp đôi ấy đều là chia ly (Arya – Gendry) hoặc bi kịch hơn, là cái chết cho một người, và người kia ở lại. Một người “may mắn” sống sót, để trở thành người đau khổ nhất…

trò chơi vương quyền mùa 8

Vì một lí do nào đó mà tập 3 đã diễn ra “màu hồng” quá mức cần thiết, khi mà phút lặng trước cơn bão đã sâu lắng, đã da diết và dọn đường cảm xúc tốt tới vậy, giá như hãy để Arya hoặc Gendry, Dany hoặc Jon, Messandei hoặc Greyworm chết ngay tại tập 3, giá trị của bài hát đã trở nên bất tử. Họ sẽ hòa chung với số phận biết bao, giá như đừng để những vết chàm không đáng có hủy hoại đi một tập phim thật đẹp, một khúc ca buồn thảm, nhưng cũng thật đẹp, thì có lẽ mọi thứ đã trọn vẹn hơn biết bao nhiêu.

Dẫu sao, khi mà ngoài kia người ta kêu gào đòi hủy bỏ cả Mùa 8, vẫn còn đó những ký ức tôi không muốn xóa bỏ, những cảm xúc thật đẹp, mà tôi cũng đã từng có với Mùa 8, để đến giờ đôi khi tôi vẫn mở máy lên và xem lại tập 2, chỉ duy nhất tập đó thôi, và ngân nga lên giai điệu ấy… “and she never want to leave…”

Cái chết đã cướp đi những người mà Jenny thương yêu nhất, dẫu biết rằng chỉ là ảo ảnh, chỉ là những hồn ma, dẫu biết rằng xung quanh nàng chỉ còn là tòa thành đổ nát, nhưng nàng vẫn khiêu vũ, vẫn nguyện cố chấp kéo dài điệu vũ ấy mãi mãi, chỉ để níu kéo những hình ảnh mơ hồ cuối cùng còn sót lại của những người mà nàng yêu, và nàng không bao giờ muốn rời đi… không bao giờ muốn rời đi…

About The Author

Tiểu Yến

You may say I'm a dreamer, but I'm not the only one