Review Bình Ngô Đại Chiến – Ngọn “Đuốc Mồi” của sử Việt?
Tôi không dám nhận mình là một người yêu sử từ nhỏ, càng không dám nhận mình hiểu biết sâu về lịch sử, nhưng tôi đủ tình yêu với lịch sử để cảm thấy chạnh lòng mỗi lần nhìn “nhà người ta” làm phim dã sử, mỗi lần thấy dân Việt đọc vanh vách từng điển tích Tam Quốc hay Chiến Quốc, nhưng nhắc đến những cái tên từng được tôn sùng như những vị thánh như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo thì rất nhiều người cảm thấy mơ hồ.
Từ ngày còn là một cậu học sinh ngồi trên ghế nhà trường từng cảm thấy máu mình sôi lên khi đọc những áng văn hào hùng của cha ông một thời như Hịch Tướng Sĩ hay Bình Ngô Đại Cáo, tôi đã chờ quá, quá, quá lâu để đợi một lần được nhìn thấy những hình ảnh về thời khắc oanh liệt ấy. Những trận đánh, những cuộc đấu trí tôi tin rằng không thua bất cứ một điển tích nào của Tam Quốc hay Chiến Quốc, nhưng lại đang dần bị chính người Việt lãng quên.
Video chính thức Bình ngô Đại chiến
Nếu bạn có chung một tâm trạng như tôi, tôi tin rằng bạn sẽ không thể kìm nổi cảm giác xúc động khi dõi theo sáu mươi phút của Bình Ngô Đại Chiến. Nhưng bây giờ, tôi sẽ tạm gác lại lòng yêu nước và sự cảm tính để cùng mang đến cho các bạn những nhận xét khách quan nhất có thể về “Bình Ngô Đại Chiến”
BẠN SẼ THÍCH
Về kịch bản: Có lẽ bạn sẽ nói rằng phim làm về lịch sử thì cần quái gì kịch bản, nhưng tôi không đồng ý. Nội dung là một chuyện, còn truyền tải nó theo cách nào để lôi cuốn nhất, kịch tính và khơi gợi cảm xúc nhất thì không đơn giản. Cá nhân tôi thấy về mặt này phim làm tốt, những lời thoại, những câu nói vừa thấm thía, vừa khơi dậy niềm tin, niềm tự hào dân tộc sâu sắc, cách lồng ghép những khung cảnh, sắp xếp nội dung xuất sắc tạo ra những khoảng lặng xen kẽ với những trường đoạn cao trào đỉnh cao.
Trong mỗi người dân đều có một ngọn lửa cháy âm ỷ, nhiệm vụ của chúng ta chỉ là đốt lên một ngọn đuốc mồi, để những đốm lửa nhỏ kia bùng lên thành một đám cháy, thiêu rụi sự tàn bạo của quân Minh.
Về hình ảnh và âm thanh: Có thể nói đây là điểm nhấn lớn nhất của phim, dù chỉ là những hình vẽ, nhưng từ tạo hình nhân vật đến những khung cảnh đều vô cùng chi tiết và ấn tượng, kết hợp với âm thanh khi hào hùng, khi bi tráng, những phân cảnh lắng đọng để rồi bùng nổ thực sự đã để lại những khoảnh khắc không thể nào quên trong tôi. Có thể tạo hình của những danh tướng Việt Nam vẫn còn những nét chưa hợp ý mình lắm, nhưng chí ít đã phác họa được rõ nét cá tính riêng biệt của từng vị tướng, dù sao thì… đã có ai nhìn thấy Đinh Lễ, Nguyễn Xí hay Lý Triện ngoài đời thực trông như nào chưa ạ?
Phần lồng tiếng: Đây chính là điểm nhấn thứ hai làm nên bộ phim, quên mấy bộ phim lồng tiếng tẻ nhạt ngày xưa đi, quên cái giọng đều đều kiểu “review phim” đi, mỗi nhân vật đều được đảm nhiệm bởi những nghệ sĩ có thực lực, và điều đó quả thực đã đem lại kết quả xuất sắc. Từng nhân vật đều toát lên thần thái của riêng mình. Có thể những nét vẽ không đủ để vẽ hết những cảm xúc trên gương mặt những vị chiến tướng, thì giọng lồng tiếng đã làm thay điều đó, đau xót, căm hận, vui sướng… được thể hiện qua từng giọng nói rõ tới mức tôi có thể nhắm mắt lại mà vẫn cảm nhận được rõ mồn một từng cảm xúc tuôn trào. Tôi có thể khẳng định rằng Bình Ngô Đại Chiến là bộ phim có phần lồng tiếng xuất sắc nhất trong số những phim tôi từng xem
Không phải ai khởi nghĩa cũng là anh hùng, nhưng mỗi người nằm xuống đều là nghĩa sĩ.
BẠN SẼ CHƯA HÀI LÒNG:
Không có gì là hoàn hảo, và yêu nước hay ủng hộ người Việt tới mấy thì tôi nghĩ cũng cần một cái nhìn công tâm
Thứ nhất: Tựa phim là “Bình Ngô Đại Chiến”, tuy nhiên phim chỉ tập trung vào một trận đánh duy nhất là trận Tốt Động – Chúc Động, phần dẫn dắt đầu truyện quá ngắn, quá nhanh, giới thiệu nhân vật gần như không có. Người xem bị ném bụp vào một trận đánh mà tôi dám chắc nếu bạn không có chút am hiểu từ trước về lịch sử thì sẽ… chẳng biết đâu là phe ta đâu là phe địch. Ông nào sống gần mấy con phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí thì may ra còn biết được hai vị này chứ đã mù sử mà lại mù đường thì đúng là… tôi là đâu đây là ai và chúng ta đang làm cái quần què gì ở đây vậy?
Điều thứ hai có thể sẽ khiến bạn không thích thú đến chính từ cách làm phim, công bằng mà nói thì kiểu làm phim bằng tranh động như thế này có lẽ sẽ hơi khó tiêu hóa với một số người, những bức tranh dù rất đẹp, rất có hồn nhưng vẫn không thể khắc họa rõ nét từng cảm xúc biến chuyển trên khuôn mặt của nhân vật như một bộ phim live action (mặc dù vậy tôi tin là vẫn cảm xúc hơn chị nào đó trong phim Mulan), số lượng tranh vẫn hơi ít, dẫn đến nhiều cảnh lặp đi lặp lại một bức tranh khiến hơi gượng gạo, cảm giác hơi giống mấy đoạn cô dâu 8 tuổi, nhất là mấy đoạn cao trào giữa trận chiến, chỉ có đúng một vài bức tranh tua qua tua lại nó tụt cảm xúc kinh khủng. Các ông cứ chửi tôi là thần kinh đi, nhưng giá mà những bức tranh đó được thay bằng những khung cảnh xung phong của hàng ngàn kị binh hay của một binh đoàn voi như Lord of the Rings thì nó mới là ơ mây zing gút chóp, hy vọng tôi sống chờ được đến ngày đó…
Tổng kết lại, dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng phải ghi nhận rằng chưa từng có bộ phim nào về lịch sử phong kiến nước ta đạt được tới tầm của Bình Ngô Đại Chiến. Những ai từng đau đáu về một thời kỳ “địa linh nhân kiệt”, “nhân tài nhiều như lá mùa thu”, từng đọc những trang sách sử oai hùng của những vị Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… và mong ngóng một lần được nhìn thấy những trang sử ấy được đưa lên màn ảnh thì có lẽ đã có thể giải tỏa phần nào. Chỉ cần bạn là người nước Việt, Bình Ngô Đại Chiến đủ làm bạn tự hào, khiến bạn căm hờn, khiến bạn thỏa mãn, và thắp lên trong lòng bạn một khao khát tìm hiểu về lịch sử đất nước mình. Một tác phẩm điện ảnh truyền được cảm hứng như vậy chẳng phải đã quá thành công rồi sao?!
Nói rằng Bình Ngô Đại Chiến là một kiệt tác lịch sử thì có lẽ chưa tới, nhưng, đúng như cái tên gọi của nhóm Đuốc Mồi, mình tin rằng đây sẽ là ngọn đuốc mồi thắp lên lòng yêu sử sách, lòng tự hào của con dân nước Việt, để những cá nhân, những nhóm người vẫn ấp ủ những giấc mơ làm phim về sử nước Việt có quyết tâm hiện thực giấc mơ ấy, để người Việt có một ngày được tận mắt nhìn thấy không chỉ Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lý Triện, mà còn Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… và nhiều nhiều những vị thánh sống khác đã ăn sâu vào trong lòng mình.