Phân tích The Witcher tập 1: Khởi đầu của sự kết thúc
Để tránh dài dòng, mình sẽ không kể lan man nội dung phim mà chỉ tập trung vào những chi tiết hay mang nhiều ý nghĩa mà nhiều bạn có thể đã bỏ qua không chú ý. Bạn nào chưa xem tập này thì hãy ngừng đọc mà đi xem phim trước đi vì sau đây là spoil nhiều vkl luôn nhé.
Tập 1 của The Witcher mang tên The End’s Beginning – Khởi đầu của kết thúc. Một cái tựa thực sự hay để khởi đầu cả một vũ trụ. Cái tên này chắc chắn là được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết, khái niệm về “vòng lặp thời gian” được nhắc đến rất nhiều lần, lấy cảm hứng trực tiếp từ thần thoại Bắc Âu, với hình tượng con rắn Ouroboros cuộn tròn tự cắn đuôi mình. Ý nghĩa của nó là “Khởi đầu cũng chính là kết thúc”.
Về nội dung chính, tuyến truyện chủ đạo của tập phim (về Renfri và làng Blaviken) được chuyển thể từ chương truyện The Lesser Evil – Tội Ác Nhỏ Hơn, một chương truyện lẻ trong cuốn tiểu thuyết The Last Wish – Điều Ước Cuối Cùng thuộc vũ trụ The Witcher của tác giả người Ba Lan Andrzej Sapkowski.
Tập phim được mở đầu bằng cảnh nhân vật Geralt giết một con quái vật có tên Kikimora – Một con quái thường sống trong các vùng đầm lầy. Cho những bạn chưa biết thì Geralt là một witcher, được đào tạo để chuyên đi săn các loại quái vật nhận tiền thưởng, và do đó những con quái vật cũng có thể được coi là một tuyến nhân vật khá thú vị trong phim không thua gì các nhân vật con người.
Vị anh hùng lao tới giết quái vật, sau đó nhìn thấy con nai bị thương, chàng bế nó về nhà chăm sóc vết thương, nuôi nấng nó, và rồi con nai đó bỗng nói tiếng người và rồi biến thành một cô công chúa đẹp tuyệt trần…. Nhầm mịa vũ trụ rồi các bạn.
Ở đây chúng tôi đ*o làm thế. Người hùng của chúng ta – mà thực ra cũng đ*o có ai gọi anh là người hùng – nhìn thấy có một con nai duy nhất đang bị thương nằm trước mặt, và bỗng dưng anh thấy đói, hết chuyện.
Đó là khắc họa đầu tiên mà phim gửi tới cho chúng ta về phong cách xuyên suốt của tiểu thuyết cũng như phim The Witcher: không có happy ending, không có chàng hoàng tử bạch mã hay cô công chúa dịu hiền hay những câu chuyện màu hồng. Phim lột tả những góc xấu xa của con người, của thế giới, là một câu chuyện không có trắng hay đen, chỉ có một màu xám, không có người tốt, chỉ là xấu xa nhiều hay ít.
Sau khi mần thịt xong con kikimora và cả con nai thì Geralt đem nó tới làng Blaviken để nhận tiền thưởng, tại đây chúng ta được chứng kiến tình cảm mến mộ của năm trăm anh em quán rượu với “vị anh hùng giết quái vật”, đại khái là đ*o ai quan tâm mà chỉ muốn đấm cho phát.
Mục đích của phân cảnh này là để khán giả thấy được rằng cho dù giết rất nhiều quái vật và cũng giúp đỡ rất nhiều người, nhưng Geralt luôn bị người đời khinh bỉ, kì thị vì sự đột biến của mình, đi tới đâu cũng bị xua đuổi, hoặc bị sỉ nhục, hao hao như người anh hùng của làng Vũ Đại – Ser Chí Phèo mặc dù anh không hề có thói quen rạch mặt bằng vỏ chai mà cũng không thích ăn cháo hành. Trong thế giới loài người, tất cả các loài “không phải người” hoặc khác biệt như elves, người lùn, hay thậm chí cả witcher đều bị đổi xử bằng thái độ vô cùng kì thị và sợ hãi. Ở thời nào cũng luôn có phân biệt chủng tộc, tuy nhiên có lẽ ở thế giới này không ai dùng mạng xã hội cả nên hashtag #witcherlivematter không hiệu quả cho lắm.
Phim chuyển cảnh tới vương quốc Cintra và giới thiệu công chúa Ciri, cháu gái của nữ hoàng Calanthe.
Nếu để ý, chúng ta sẽ nhìn thấy cô bé nhìn ra phía sau chỗ cánh cổng và phát hiện ra điều gì đó. Đây hoàn toàn không phải là một chi tiết thừa, nếu các bạn đã xem hết 8 tập sẽ biết ý của biên kịch ở đoạn này. Một phong cách rất hay, cố ý giấu đi một vài cảnh quay và đợi tới một thời gian sau mới lật lại làm cho người xem cứ á ố lên vừa ngỡ ngàng vừa thú vị.
Cuộc trò truyện giữa Geralt và pháp sư Stregobor cũng hé lộ cho chúng ta khá nhiều chi tiết thú vị. Theo như tiểu thuyết, Geralt và Stregobor đã có quen biết nhau từ trước, nhưng không phải dạng bạn bè chí cốt, mà chính Stregobor từng chơi khăm Geralt mấy lần làm anh bị quịt tiền công, không đến mức căm thù nhau nhưng kiểu nếu nhà mày cháy và tay tao đang cầm xô nước thì tao sẽ mang đi tắm. Và ngay tại đoạn hội thoại này, chúng ta được nghe câu thoại kinh điển của tiểu thuyết: “Tội ác là tội ác, nhỏ hơn, ở giữa, hay lớn hơn, đều như nhau cả thôi. Nếu phải chọn giữa một cái ác này và một cái ác khác, tôi thà không lựa chọn gì cả”
Những phân cảnh cung điện Cintra là để giúp chúng ta hiểu được về bối cảnh hiện tại: Nữ hoàng Calanthe của Cintra đã kết hôn với Eist Tuirseach – tể tướng của Quần đảo Skellige, kết một liên minh giữa Cintra và Quần đảo Skellige, trong khi đó quân đội Nilfgaard ở phía Nam đang bắc tiến để gây chiến với các quốc gia phương Bắc, và Cintra đang bị kẹp ở giữa. Calanthe tin rằng Nilfgaard sẽ bỏ qua Cintra và đánh thẳng lên phía Bắc, nhưng bà đã lầm khi quân Nilfgaard đã quyết định đánh thẳng vào Cintra trước.
Ở phân đoạn tiếp theo, khi Geralt gặp lại Renfri trong rừng, có một chi tiết quan trọng ở đây: Renfri có nhắc đến Nữ hoàng Calanthe và nói rằng bà ta vừa thắng trận đánh đầu tiên của mình ở Hochebuz, trong khi ở ngay phân cảnh trước tại Cintra, Ciri có nhắc về điều này rằng Calanthe đã thắng trận đầu tiên ở Hochebuz khi bằng tuổi mình. Điều này đã giúp chúng ta xác định được tuyến truyện của Geralt tại Blaviken và tuyến truyện Cintra nằm ở hai mốc thời gian khác nhau. Cụ thể hơn thì những phân cảnh của Geralt ở Blaviken diễn ra trước thời của Ciri khoảng hơn 30 năm. Hãy làm quen với việc nhảy dòng thời gian này vì bạn sẽ còn gặp chuyện này thường xuyên.
Trận chiến giữa Nilfgaard và Cintra diễn ra quá ngắn ngủi và… chẳng có chiến thuật hay đội hình gì sất. Số lượng người tham gia cũng lác đác và chẳng thấy giống một trận chiến tổng lực giữa hai quốc gia gì cả. Mặt khác, khá khó hiểu rằng Cintra đang ở thế yếu hơn, và đang chờ viện binh đi đường biển từ Skellige tới, nhưng lại dàn quân ra đồng bằng đánh nhau xanh chín với quân địch để nhằm mục đích… giúp quân địch dễ đánh hơn. Rõ ràng đây chính là điểm trừ trong tập này, có lẽ do kinh phí mùa 1 còn ít ỏi, sang các mùa sau với việc kinh phí được tăng thêm hi vọng điều này sẽ được cải thiện.
Tiếp theo, ở phân cảnh quân Nilfgaard tràn được vào thành, Calanthe bị thương nằm trên giường bàn bạc với hai cận vệ là phù thủy Mousesack và Danek.
Đây cũng là một phân cảnh khi xem lần đầu các bạn sẽ cảm thấy khó hiểu và thấy nó rất… lê thê. Nhưng thực ra đây là ý của đạo diễn khi cố tình giấu đi một vài phân cảnh và phải đến tận tập 8 thì những góc quay bị giấu đi mới được show ra và đây mới là lúc bà con thấy được cái cách thắt mở rất nghệ thuật của đạo diễn. Cả cách truyền tải phim, lẫn cách xây dựng nhân vật đều tập trung vào một nguyên tắc “Trông vậy chứ chưa chắc đã là vậy”.
Chi tiết thú vị tiếp theo là khi Renfri đấu với Geralt.
Cô nói một câu với Geralt rằng “Chúng tạo ra tôi giống như cách chúng tạo ra anh”, điều này có lẽ khiến khá nhiều bạn hiểu nhầm rằng Renfri cũng là một witcher, nhưng câu nói này hoàn toàn không có ý đó.
Ý của câu nói này là Renfri cũng là một người đột biến (do một lời nguyền), cũng bị mọi người xa lánh, sợ hãi, ghét bỏ, khinh bỉ, bị người ta truy giết, và chính những điều đó khiến cô ngày càng mạnh mẽ và tàn bạo hơn, chính những kẻ vùi dập cô đã tạo ra một Renfri như ngày hôm nay, giống Geralt vậy. What doesn’t kill you make you stronger, stronger, strongerrrrrr.
Nói thêm một chút về tuyến truyện của Renfri: Một cô công chúa bị mẹ kế hãm hại phải bỏ nhà đi trốn, sau đó bị truy bắt, nhập bọn với một hội bảy đàn ông, và gặp một “bác thợ săn” có ý muốn cứu giúp, nghe quen không các bạn?
Chính là câu chuyện lừng danh về Snow White – Nàng Bạch Tuyết, Renfri là một cô công chúa, bị mẹ kế của mình cùng với tay pháp sư Stregobor hãm hại phải bỏ trốn, rồi bị truy bắt, thoát được và nhập bọn với băng của mình gồm bảy tên cướp (đàn ông), và “bác thợ săn” Geralt đang cố gắng khuyên nhủ giúp cô trở về làm người.
Một phong cách rất ấn tượng khác mà có lẽ những bạn chơi phiên bản game vẫn còn nhớ: chuyển thể những câu truyện cổ tích màu hồng của Disney theo phiên bản đen tối hơn, đời thực hơn, “Nàng Bạch Tuyết” hóa ra đâu có ngây thơ thánh thiện, “Bảy Chú Lùn” cũng đâu có tốt bụng lương thiện chăm chỉ làm ăn, “Bác Thợ Săn” thì lại không săn hươu nai mà săn … gái và quái vật cơ, và cuối cùng, đau xót thay, khi Nàng Bạch Tuyết nằm xuống, chẳng có chàng hoàng tử bạch mã nào đến và trao cho nàng nụ hôn hồi sinh, chỉ có tên phù thủy đứng đó hóng mang xác về nghiên cứu.
Thế đấy các bạn, cuộc sống mà, chẳng có màu hồng và cũng chẳng có cái kết “hạnh phúc mãi mãi về sau”, các bạn sẽ còn gặp những cái tát cực mạnh vào mấy câu chuyện cổ tích như thế này dài dài trong thế giới The Witcher.
Cảnh cuối của Geralt trong tập này là anh bước đi cùng với cái danh hiệu mới “Gã đồ tể xứ Blaviken”, trong sự xua đuổi, ghê sợ, những hòn đá ném ra và những lời chửi rủa tuôn ra từ chính những người anh vừa cứu mạng (có thằng còn dám bảo “giết hắn đi”, thật luôn? thằng nào giỏi nhào vô hộ cái? Kiếm được kryptonite chưa đó?). Nghĩ mà tức ứa gan, cảnh này mà có câu “Ai cho tao lương thiện?” thì quá hợp luôn, mà chắc mấy bác Netflix không mua được bản quyền.
Kết thúc tập 1 là cảnh Ciri chứng tỏ siêu năng lực la hét của mình.
Cũng chẳng hiểu hét kiểu gì mà tách đôi cả mặt đất ra vậy luôn, tôi từng xuyên không qua hết các vũ trụ từ Kim Dung cho đến Dragon Ball, Naruto, Marvel, nhưng chưa thấy cái trường hợp nào nó như thế này cả, tuyệt chiêu sư tử hống của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn có vẻ khá giống nhưng uy lực rõ ràng là không ghê được vậy.
Về nhân vật Ciri thì nhiều bạn nói rằng tuyến truyện của Ciri khá lan man, dài dòng, khi mà nhiệm vụ chính của cô bé là… ngồi yên, chạy và la hét, nhưng nên nhớ đây mới chỉ là The Witcher mùa 1, nhiệm vụ của nó là giới thiệu các nhân vật, có lẽ các bạn cũng đoán được ra năng lực của Ciri là rất ghê gớm, không chỉ thế mà nguồn gốc lai lịch của cô cũng không đơn giản, “quan hệ” cũng “rộng” lắm, cho nên anh em đừng chê, tất cả những nơi cô đi qua, nhưng nhân vật cô gặp đều sẽ đóng vai trò trong câu chuyện tiếp theo của cô chứ không chỉ dừng lại ở đó đâu.
Mình tin rằng đạo diễn không muốn show quá nhiều thông tin ngay season 1 khiến khán giả “bội thực” và lại làm cho các season sau bị cạn ý tưởng.
P/S: Có chêm tí hài hước zô cho anh em đọc đỡ buồn ngủ. Nhưng mà anh em đọc có gì lxin hãy đồng cảm chứ đừng cười haha nhé, vì đây vẫn là một câu chuyện buồn vl đấy!