Phân tích The Witcher tập 8: Kết thúc để khởi đầu
Tựa đề tập phim – Much more – cho thấy rằng đây không phải là kết thúc, mà thậm chí ngược lại, tập phim cuối cùng này thậm chí còn mở rộng câu chuyện ra phức tạp hơn rất nhiều lần.
Biểu tượng cuộc tập phim này là một màn “dung hợp” vô cùng ấn tượng luôn: 7 biểu tượng của 7 tập phim trước tan chảy ra và kết hợp lại thành một biểu tượng duy nhất có hình một cái đầu sói, một ngôi sao và một con chim nhạn. Sói biểu trưng cho Geralt – Sói Trắng, ngôi sao là biểu tượng của Yennefer và chim nhạn là biểu tượng của Ciri, do tên của cô bé trong tiếng elf cũng có nghĩa là chim nhạn.
Mở đầu tập phim là quang cảnh “Cintra sáng nhất thế giới đêm nay” được quay bằng flycam tuyệt đẹp (mà thời đó sao lại có flycam ta?), đẹp tới mức mà Bắp tui xem xong ước gì tập nào cũng có vài cái tòa thành cháy như vậy xem cho mãn nhãn. Sorry anh em, hơi khẩu nghiệp chút. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi thực sự kết những phân cảnh quay rộng từ trên cao xuống như thế này của witcher, một like cho đội quay phim!
Cảnh ngay tiếp theo ta được thấy thám tử lừng danh Conan, à nhầm, nhìn kỹ thì hóa ra là Geralt đang trổ tài phá án, chết thật xem phim nhiều mắt mũi dạo này kém quá anh em thông cảm. Không biết có phải do Bắp tui nghiện game quá không, mà đoạn này trong đầu tui cứ hiện ra cái cảm giác tay đang kẹp nút R2, kích hoạt witcher sense chạy loăng quăng loot đồ.
Tại phân cảnh sau đó, nơi mà Geralt gặp người thương nhân đang chôn cất xác chết những người dân tị nạn Cintra. Các bạn còn nhớ ở tập 2 Ciri đã gia nhập với một hội dân Cintra tị nạn và sau đó họ bị thảm sát chứ? Đúng rồi, là họ đó. Như vậy đây là thời điểm khoảng hơn 1 tuần sau thời điểm phân cảnh của Ciri ở trại tị nạn tại tập 2. Và chúng ta thấy rằng Geralt đang đi theo đúng con đường của Ciri đã đi, âu cũng là cái nghiệp chướng, à nhầm, định mệnh.
Tiếp theo chúng ta được thấy một bầy ghoul, một loài chuyên ăn xác chết, chi tiết về loài này anh em hãy chờ đón bài viết riêng về quái vật của Bắp nhé.
Phân cảnh Ciri tỉnh dậy giữa một đống xác, đây là kết quả của màn bộc lộ năng lực của Ciri cuối tập trước. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bắp thì có một số điểm rất vô lý ở đây: Tại sao bà cô đã ngỏ ý mời Ciri về nhà hôm trước lại có thể tìm thấy cô? Bà không đi ngựa, cứ cho rằng bà tốt tới mức chạy bộ cả đêm đi tìm Ciri – một cô bé không quen biết, thì bà cũng có đủ kỹ năng lần dấu vết để tìm ra vị trí của Ciri sao?
Đây tiếp tục là một tình tiết mà phim đã cố tình giấu đi, Bắp cũng đã có một số thuyết âm mưu về vấn đề này và sẽ tập hợp tại một bài viết riêng, anh em đón đọc nhé.
Tiếp theo là chuyển qua phân cảnh của Yen, các bạn hãy lưu ý thắc mắc của Yen: “Tại sao Nilfgaard không chiếm Sodden mà lại chiếm Cintra trước?”
Đây là một thắc mắc rất có cơ sở. Ngay sau bài viết này, Bắp sẽ làm một serie về các vương quốc, có đính kèm bản đồ của cả thế giới The Witcher để các bạn dễ hình dung. Tuy nhiên mình sẽ nói sơ qua để giải thích về thắc mắc này của Yen. Sodden nằm án ngữ ngay trên con đường tiến lên phía Bắc, còn Cintra lại nằm ngoài rìa sát biển, Nilfgaard hoàn toàn có thể bỏ qua Cintra, đánh Sodden rồi xuyên thẳng lên phía Bắc để cho các vương quốc phương Bắc không kịp chuẩn bị. Và đây cũng chính là điều Nữ hoàng Calanthe ban đầu đã dự liệu, và bà nghĩ rằng chiến tranh sẽ không lan tới vương quốc mình. Nhưng quân Nilfgaard cuối cùng lại đi đường vòng đánh Cintra trước, có hai lí do: một phần là Cintra không được bảo trợ bởi Hội Pháp Sư, nhưng lí do chính là họ muốn bắt Ciri. Cuộc nói chuyện giữa Cahir và Fringilla sau đó về Ciri cũng đã cho thấy rằng, đối với Nilfgaard, việc bắt Ciri thậm chí quan trọng không kém gì tham vọng thống nhất cả Lục Địa.
Vilgefortz – một pháp sư đã xuất hiện từ vài tập trước, nhưng giờ mới có nhiều đất diễn – liên tục có những cuộc nói chuyện với Yen, đây là một tình tiết gợi mở cho một tuyến truyện sau này, hai anh chị sẽ còn qua lại với nhau nhiều, và nhân vật Vilgefortz cực kỳ quan trọng và sẽ còn xuất hiện rất nhiều trong những sự kiện chính của thế giới Witcher sau này, việc hắn giết một pháp sư cuối phim là minh chứng rõ ràng rằng, đây là một nhân vật không hề đơn giản. Bắp sẽ không spoil thêm nhằm tránh làm hỏng trải nghiệm xem phim của các bạn, nhưng hãy chú ý đến hắn nhé!
Cuộc nói chuyện với Yen và Triss về “Geralt of f*cking Rivia” nhá hàng cho một mối tình tay ba sau này. Anh em đọc truyện hoặc chơi game hẳn là đã biết rằng không chỉ Triss mà sau này rất nhiều nữ pháp sư khác cũng đều tìm cách quyến rũ Geralt. Chúc Geralt của chúng ta chân cứng đá mềm…
Tại cuộc trò chuyện ngắn trước trận chiến Sodden, Tissaia đã nói với Yen rằng: “Em đã sống hai hoặc ba đời người rồi” – câu nói này chuẩn cả về mặt nghĩa đen và nghĩa bóng. Về nghĩa đen thì Yen sinh năm 1192, trận Sodden diễn ra vào khoảng năm 1263, nghĩa là thời điểm này Yen đã khoảng.. hơn 70 tuổi, lưu ý anh em là tuổi thọ trung bình thời này thấp lắm nha, sống dai lắm cũng chỉ cỡ 40-50 tuổi, còn lối sống thích cà khịa, ham đánh lộn, máu chịch dạo như ai đó thì còn ngắn hơn nhiều. Còn về nghĩa bóng thì Yen đã trải qua một cuộc đời làm con gù bị khinh ghét, một cuộc đời làm pháp sư của nhà vua, và một cuộc đời làm… freelancer, ý tui là pháp sư tự do. Nhưng cô không hài lòng với bất kỳ cuộc đời nào, hay nói cho chính xác hơn, cô không hài lòng với bất kỳ thứ gì, dù là sức mạnh, hay quyền lực, hay tiền, hay cả Geralt hay Istredd. Cô như một con thú bị bỏ đói quá lâu, tới mức cứ ăn, ăn nữa, ăn mãi không biết thế nào là no. Với cô, cả thế giới này cũng là không đủ.
Ở phía bên kia chiến tuyến, ta được chứng kiến Fringilla hô biến ở đâu ra 2 món đồ: một cái hộp và một túi dimeritium. Anh em đừng vội đánh giá cô ả này hack game, hack đồ hay chơi cheat, Bắp tui sẽ giải thích vụ này cho anh em. Như ta đã biết, Hội Pháp Sư cấm đoán và không cho phép bất cứ ai nghiên cứu hay sử dụng ma thuật hắc ám (black magic), tuy nhiên Nilfgaard không những không cấm, mà còn cổ súy điều này. Hai trong số những ma thuật hắc ám phổ biến nhất là: Necromancy và Goetia. Necromancy là những ma thuật hắc ám được dùng để điều khiển người chết, còn Goetia là một dạng quỷ thuật có quyền năng triệu hồi các đồ vật hay sinh vật sống ở một khoảng thời gian khác, hoặc một thế giới khác về với thế giới này. Vậy thì phép thuật mà Fringilla dùng chính là Goetia, đi ăn trộm xuyên không gian và thời gian! Đấy anh em thấy không, cái gì cũng phải công tâm, tôi cũng ghét cái mợ ”trắng” như than tổ ong này lắm, nhưng mà nói cho công bằng là mụ ấy không có hack game, chỉ là chơi hơi bẩn thôi.
Phân cảnh tiếp theo hé lộ cho chúng ta một chút về quá khứ của Geralt, một điều thú vị ở đây là hồi còn là một đứa trẻ anh cũng từng mơ ước đi giết rồng.
Ở đây ta cũng được gặp mặt một “gương mặt thân quen” đây: một chú rồng vàng, thoạt nhìn Bắp cũng nghĩ đây là ma thuật do mẹ của Geralt tạo ra thôi, nhưng các bạn hãy chú ý câu thoại: “Đó là phép thuật. Nó không có thật”- là giọng của Borch. Borch là thằng bỏ mịa nào nhỉ? Chính là con rồng vàng đã tìm đến Geralt ở tập 6. Vậy lí do cho nguyên tắc “không giết rồng” của Geralt, cũng như việc tại sao Borch lại biết mà tìm tới Geralt đã hoàn toàn sáng tỏ nha các bạn. Nói thêm rằng nguyên tắc không giết rồng không phải là luật của witcher, mà chỉ là nguyên tắc do một mình Geralt đặt ra mà thôi, những sự liên kết rất chặt chẽ với nhau và những nút thắt được gỡ từ từ giữa các tập phim chính là điều mình rất ấn tượng.
Phân cảnh này có một câu thoại mình muốn phân tích rõ hơn, đó là câu của Visenna nói với Geralt, nguyên gốc tiếng Anh là “We must live and let live” – Netflix Việt Nam dịch là “Chúng ta phải sống dĩ hòa vi quý” mình thấy chưa rõ nghĩa lắm. “Live and let live” là một thành ngữ tiếng Anh, khuyên con người ta sống chan hòa với vạn vật, chấp nhận những con người, những giống loài khác biệt, học cách sống hòa hợp với họ thay vì giết hại hay kỳ thị họ. Borch đã nói rằng Geralt là một chiến binh được dạy phải bảo vệ rồng, chứ không phải giết chúng. Mình tin rằng nhiều bạn lầm tưởng đây là châm ngôn của các witcher, nhưng không, đây là châm ngôn của Visenna dạy cho Geralt từ khi anh còn chưa trở thành một witcher.
Nói sơ qua một chút về hành trình của Geralt trong tập này. Ta còn nhớ rằng, từ khi rời khỏi Cintra cho tới lúc tỉnh lại trên xe tay thương nhân, Geralt vẫn chỉ khăng khăng đòi về Kaer Mohen, và vì Kaer Mohen ở phía Bắc, mà đường lên phía Bắc kiểu gì cũng phải đi qua Sodden, anh thậm chí không biết về việc có cuộc chiến ở nơi đây, cho tới khi tay thương nhân nói anh mới biết. Và tới lúc mẹ Geralt chữa bệnh cho anh, bà nói ra câu “Hầu hết các pháp sư đều đã ở Sodden chiến đấu”, anh mới biết rằng Yennefer có khả năng đang ở Sodden, và sau đó anh mới có ý định đến Sodden. Một lần nữa số mệnh lại vô tình gắn kết hai người một cách vô thức. Một số bạn hiểu lầm rằng Geralt cảm nhận được trận chiến nhờ giác quan witcher thì là không chính xác nhé, giác quan witcher chứ không phải là sóng radio hay truyền hình vệ tinh đâu ạ, nó cũng không bá đạo được như mấy cụ thầy bói trong phim kiếm hiệp Tàu Khựa đâu.
Hành trình này của Geralt cũng có một chi tiết thú vị nữa: Luật Bất Ngờ version 2.
Ông thương nhân sau khi được Geralt cứu mạng, đã đề nghị sẽ đền ơn Geralt bằng Luật Bất Ngờ: “Thứ tôi đã có nhưng chưa biết”. Chắc các bạn còn nhớ câu này chính xác là câu mà Geralt đã nói với Duny khi “kích hoạt” Luật Bất Ngờ. Không chỉ có vậy, điều mà ông ta đã có nhưng chưa biết, chính là đứa con gái nuôi mà vợ ông vừa mới nhận ở nhà, mà chưa kịp báo cho ông. Là ai? Là ai? Là Ciri chứ còn ai vào đây nữa! Mặc dù đúng là Ciri chưa chính thức đồng ý, nhưng việc cô chấp nhận ngủ lại ngôi nhà đó cũng đã có thể coi như là một sự chấp thuận ngầm. Một lần nữa Luật Bất Ngờ lại được gọi lên và lại gọi tên đúng Geralt và Ciri. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho định mệnh kết nối giữa Geralt và Ciri: cho dù có muốn tránh, muốn từ chối cũng không thể được, còn duyên thì sẽ luôn gặp!
Tại phân cảnh Visenna chữa bệnh cho Geralt, mình nghĩ có lẽ sẽ khá nhiều bạn bối rối về câu nói của Geralt, mình sẽ trích câu nguyên gốc tiếng Anh để mọi người hiểu hơn vì đôi khi chuyển ngữ không truyền tải được hết nghĩa: “Vesemir give me that name”.
Tại trận Sodden, kẻ khả nghi nhất trên chiến trường chắc chắn là Vilgefortz, bạn có thực sự nghĩ rằng một pháp sư mạnh hơn cả Yennefer lại thảm hại như thế trước một viên tướng người trần mắt thịt như Cahir không? Tất nhiên Cahir là một chiến binh xuất sắc, nhưng chúng ta hãy nhớ Yen từng khống chế được cả một witcher như Geralt, thì không có lí gì Vilgefortz lại thua dễ dàng đến vậy. Bắp tui dự đoán rằng đây chỉ là một màn kịch nhằm che giấu đi mục đích thực sự của tay pháp sư này.
Khi trận chiến dần đến hồi kết, Tissaia đã nói với Yen rằng: “Mọi thứ em từng cảm thấy, mọi thứ em từng chôn giấu, quên cái chai đi”. Quá khứ của Yen như một “cái chai” kiềm nén sức mạnh của cô, cô không muốn nhớ lại mình từng là ai, cô không muốn chấp nhận sự thật bản thân là ai, và điều đó vô tình kiềm chế sức mạnh của cô. Chắc anh em còn nhớ về câu chuyện thần Djinn bị nhốt trong cái chai, và câu hỏi rằng nếu vị thần không bị kiềm chế bởi cái chai đó thì sẽ mạnh mẽ tới mức nào. Điều khác biệt ở đây, “cái chai” của Yen là trong tâm trí cô, là do cô tự trói buộc mình, ép mình vào hành trình đi tìm một đứa con, đi tìm một di sản. Quên cái chai đi, Yen, hãy sống làm một vị thần quyền năng không gì có thể trói buộc hay kìm nén. Và từ giờ phút này, Yen mới trở thành một pháp sư nguy hiểm và quyền năng thực sự.
Chúng ta có thể thấy sức mạnh của Yen là kinh khủng như thế nào khi mà một phù thủy phe Nilfgaard phải hi sinh cả thân mình mới tạo ra được một quả cầu lửa, còn cô thì đốt cả một cánh rừng trong một nốt nhạc. Tôi xem lại cảnh này đến lần thứ ba vẫn rùng cả mình anh em ạ. Thích nhất cái mặt ông Cahir đứng từ xa nhìn lại, đúng kiểu “thôi nghỉ, đánh đấm đ*o gì nữa, nghĩ nó chán.”
Sau khi thần lực trong cô đã cạn, cô hòa mình vào với thần lực, tan vào hư vô và trở thành force ghost. Lại nhầm vũ trụ rồi, chẳng qua cạn mana té về giếng dưỡng sức thôi anh em đừng lo. Tuy nhiên chắc chắn chơi quả bom kinh hoàng như vậy thì Yen đã phải trả giá khá đắt, một người có cá tính mạnh mẽ như Yen khi bị thương chắc chắn sẽ không ở lại chờ người khác giúp đỡ mà sẽ bỏ chạy đến một nơi thật xa, không cho ai biết. Bắp tui mạnh dạn đoán là… sẽ bị xẹp zú (oh noooooooooooo!!!!).
Giờ thì anh em ta cùng bàn chút về vấn đề nhức óc nhất nha: timeline của phim. Tất nhiên đến tầm này rồi thì tất cả các dòng thời gian chắc chắn đã phải hòa làm một rồi, chứ mà vẫn còn mỗi đứa một thời gian nữa thì chắc tôi cũng phải tìm nhà bà biên kịch để đến đốt. Tuy nhiên cái mà Bắp tui vẫn muốn nói ở đây, là chi tiết mà phim cài vào để giúp người xem xác định chính xác điều đó, chứ không có mấy cái chi tiết chắc cú này thì có khi Bắp tui cũng chả dám khẳng định, bị lừa riết thành ra lúc nào cũng nơm nớp.
Về Geralt, chi tiết khẳng định này là khoảnh khắc ở trong rừng khi anh biết rằng Nilfgaard đang đánh Sodden. Về phần Yen: là cảnh cô tới tham chiến ở Sodden. Về phần Ciri: thời điểm cô đứng từ xa nhìn thấy quả cầu lửa do Nilfgaard bắn vào Sodden. Vậy thì đây mới là thời điểm chính xác mà ta chắc chắn rằng các dòng thời gian trong phim đã hòa vào nhau làm một ở thì hiện tại, thời điểm trận chiến Sodden bắt đầu, Sodden chính là điểm giao hòa giữa ba con người, ba dòng thời gian. Tôi vẫn phải lưu ý với anh em rằng không có gì chắc chắn về cuộc hành trình của ba người trước cái đêm trận Sodden bắt đầu là có cùng một dòng thời gian hay không đâu đấy nhé. Về điều này, Bắp tui sau khi nghiên cứu rất kỹ đã phát hiện ra rất nhiều điểm nghi vấn, hẹn anh em, tôi sẽ tập hợp lại thành một bài viết riêng, dành riêng cho những nghi vấn, giả thuyết và cả… đoán mò.
Vậy là chúng ta đã cùng nhau kết thúc seri phân tích cho 8 tập phim mùa 1 của The Witcher. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài phân tích cho những mùa phim tiếp theo. Chân thành cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ từ các bạn của Bapstory.net nhé!