Phân tích The Witcher tập 5: Khát Khao và Khờ Dại
Như thường lệ, đầu tiên chúng ta nghiên cứu về tiêu đề của tập: ??????? ????????? -Khát khao bị kìm nén. Tựa đề tập trung vào hành trình của Yen trong tập này, hành trình vượt qua những rào cản, những ngăn cấm, để đạt được những khát khao cô mong muốn. Tuy nhiên, suy rộng ra thì thần Djinn cũng chính là một “khát khao bị kiềm nén”, Djinn và Yen đều là những sinh vật đầy sức mạnh và quyền năng, có những khát khao rất nhỏ bé: với Yen là một đứa con, với Djinn là sự tự do, nhưng đều phải tranh đấu khổ sở vì nó. Ngoài ra thì chữ bottled – kìm nén, danh từ của nó là bottle – cái chai, cũng là một hình ảnh khá hay sẽ liên hệ đến tập cuối. Các bạn hãy để ý, Bắp sẽ nói rõ hơn chi tiết này tại bài phân tích tập cuối.
Về biểu tượng của tập phim, nó là hình dạng cách điệu của một đôi nam nữ đang quấn lấy nhau tạo thành hình dạng như một cái tử cung. Hình tượng đôi nam nữ biểu trưng cho cuộc gặp gỡ giữa Yennefer và Geralt, trong khi biểu tượng tử cung đại diện cho khát khao của Yen đi tìm lại cái tử cung của mình.
Cảnh mở đầu tập phim giới thiệu cho chúng ta một chủng loài mới: người mô phỏng, nguyên bản tiếng Anh là “doppler”
Bắp sẽ đưa loài này vào bài tiểu sử chi tiết các chủng tộc trong The Witcher. Nói sơ qua để các bạn nắm được ý chính: đây không phải con người, mà là một loài riêng có khả năng sao chép bất cứ sinh vật nào có kích cỡ tương đương (chẳng hạn không hóa thành chim chuột hay rồng được), không chỉ sao chép về hình dạng, giọng nói, mà cả sức mạnh, kỹ năng và kí ức luôn. Tuy nhiên loài này không phải là bất khả chiến bại, điểm yếu chí tử của chúng là bạc, chúng rất sợ bạc và khả năng của chúng cũng bị vô hiệu khi ở gần bạc. Ở cảnh đầu phim chúng ta thấy chỉ một đồng xu bạc trên tay Cahir đã khiến tên doppler sợ hãi không dám tới gần.
Ở cảnh phim tiếp theo, ta thấy Fringilla có nhắc tới hai điều chưa được giải thích rõ.
Thứ nhất là về chiếc cũi nhốt Mousesack được làm từ dimeritium – khắc thuật kim, đây là một dạng kim loại có khả năng khắc chế ma thuật, khiến cho người mang nó không thể sử dụng ma thuật, nó rất hiếm và đắt đỏ. Điều này lí giải cho việc tại sao một pháp sư như Mousesack mà lại bị giải về mà không thể chống cự được gì, tuy nhiên từng có những tiền lệ, có những pháp sư thực sự hùng mạnh thậm chí có thể vượt qua được sự áp chế của dimeritium, đó là lí do để chắc cốp thì Nilfgaard phải chơi hẳn cả cái cũi bằng dimeritium chứ không phải chỉ một chiếc còng như trong truyện. Hoăc đơn giản chỉ là để chứng minh sự giàu có, show rằng Nilfgaard là những dân chơi thứ thiệt?
Chi tiết thứ hai là câu nói về “Ngọn lửa trắng”, nguyên văn là: “Ngọn lửa trắng đã tạo nên con người tôi”. Ông nào không tìm hiểu kỹ trước khi xem phim thì đảm bảo đọc xong câu này ngáo luôn người, đánh đố nhau đến thế là cùng. “Ngọn lửa trắng” là biệt hiệu của hoàng đế Nilfgaard thời này – Emhyr var Emreis, bản đầy đủ của nó là “The White Flame Dancing on the Graves of His Enemies – Ngọn Lửa Trắng Nhảy Múa Trên Nấm Mồ Quân Thù”. Chỉ là cái nickname thôi có cần thiết phải dài dằng dặc như viết sớ đêm giao thừa vậy hông trời? Nickname của bạn quá dài không hợp lệ, xin hãy đặt nickname giới hạn từ 6 đến 12 ký tự, bao gồm cả số, chữ hoa, chữ thường và ký tự đặc biệt.
Ở phân cảnh tiếp theo, ta thấy được Yennefer lúc này sau khi bỏ trốn khỏi hoàng cung Aedirn, có vẻ cuộc sống không được thoải mái về tiền bạc cho lắm, như vậy đây là thời điểm ngắn sau cảnh bị truy sát và chôn đứa bé sơ sinh ở tập trước. Giờ đây cô phải đi hành nghề chữa yếu sinh lý kiếm cơm qua ngày.
Đoạn hội thoại trong rừng với Ciri, bà chúa rừng có nhắc tới câu: “Thanh kiếm định mệnh có hai mặt”. Câu nói này có ý liên hệ tới Sword of Destiny – là tựa đề của một cuốn sách trong loạt truyện, và cũng là tên của một chương trong sách. Chương này chính là cảnh Ciri trong rừng như phim, nhưng khác là trong truyện thì Geralt tìm thấy Ciri tại đây, và bà dryad cho Ciri chọn: theo Geralt hay ở lại, và Ciri chọn theo Geralt. Câu nói này cũng xuất hiện trong truyện, ý của nó là định mệnh giống một thanh kiếm, nó luôn có hai mặt (hai lưỡi): 1 bên là Geralt, 1 bên là Ciri, hai con người riêng biệt, thậm chí đối nghịch nhau nhưng lại luôn gắn liền nhau không thể tách rời, nương tựa vào nhau mà sống, đại khái là như Ông Giáo và Lão Hạc hay Thị Nở và Chí Phèo, như duy vật và duy tâm, như vật chất và ý thức, như những mặt đối lập của các phạm trù triết học… thôi anh em cho tôi xin phép không đi xa hơn…
Tại cảnh Jaskier và Geralt, có một chi tiết giúp xác định thời gian: Jaskier hỏi Geralt về vụ Luật Bất Ngờ ở Cintra, nghĩa là thời điểm này vẫn là ở quá khứ, ngay sau vụ ở tiệc hoàng cung Cintra chưa lâu, trước khi Ciri ra đời, và có vẻ Geralt mất ngủ cũng là vì lo lắng bất an về vụ này.
Cuộc nói chuyện Yen và Tissaia cho ta thấy tình trạng của Yen lúc này: không những cô bị xã hội ghét bỏ, cô thậm chí còn bị chính Hội Pháp Sư kì thị bởi việc cô bỏ trốn khỏi Aedirn, và tìm cách có con. Theo truyện thì việc triệt sản là bắt buộc áp dụng với tất cả các pháp sư, do việc họ e sợ những dòng giống pháp thuật sẽ sản sinh tràn lan không kiểm soát được, nên việc làm của Yen là điều bị cấm kỵ. Cũng chính tình cảnh này gây ra những hành động bất cần đời, nổi loạn của Yen, và cũng lý giải về cảm xúc của cô khi nhận ra Geralt thực lòng quan tâm đối tốt với mình – đã đúng người lại còn đúng thời điểm anh em nhỉ?
Cũng trong cuộc nói chuyện này, Tissaia đề cập đến Fringilla đang làm rất tốt ở phía Nam, người kế vị Nilfgaard đã trở về và khôi phục hòa bình. Người kế vị Nilfgaard này chính là Emhyr, vị hoàng đế xâm chiếm Cintra ở thời hiện tại, và thực ra thành công của Fringilla cũng không hẳn do cô ta tài giỏi, mà chủ yếu là nhờ tài năng của Emhyr. Điều vô cùng trớ trêu rằng đáng ra vị trí đó đã được trao cho Yennefer, nếu như cô không cố sống cố chết quyến vũ vua Aedirn để cướp vị trí của Fringilla. Ta nói nghiệp quật không có chừa một ai đâu mà.
Ngoài lề một chút, về câu chuyện cái tử cung của Yen, thì không chỉ mình Yen, mà tất cả các pháp sư cả nam lẫn nữ đều vô sinh, đây là một điều luật của Hội Pháp Sư, tất cả các pháp sư cả nam lẫn nữ đều phải bị triệt sản. Nguyên nhân của điều luật này là do lo ngại về sự di truyền gien pháp thuật qua sinh đẻ, lai tạo với các loại gien khác nhau sẽ vô cùng khóa kiểm soát, thậm chí tạo nên những quái thai hay những kẻ điên khùng mang pháp thuật trong người thì hậu quả là vô cùng kinh khủng. Và người đặt ra điều luật này …. chính là Tissaia de Vries.
Geralt gặp Yen: đây là khoảnh khắc 2 dòng thời gian hòa vào nhau, thực ra bắt đầu từ tập 3 là Yen và Geralt đã ở cùng thời điểm, nhưng đến cảnh này thì phim mới chính thức xác nhận điều đó. Tuy nhiên căn cứ vào mốc thời gian của Geralt mình mới phân tích ở trên thì cả hai vẫn đang ở quá khứ, trước thời điểm Ciri ra đời. Sau khi bị tay thị trưởng bắt nộp thuế ở phân cảnh trước, Yen đã bỏ bùa hắn và chiếm luôn nhà hắn làm nơi ở (chứ không phải bị bắt như gã lính lúc đầu nói với Geralt), đó cũng là lí do tay thị trưởng khỏa thân nhảy nhót và nói Geralt mang nước táo cho Yen.
Cuộc trò chuyện trong bồn tắm giữa Yen và Geralt, nếu anh em chịu khó rời mắt khỏi mấy thứ hay ho để tập trung đọc phụ đề (vụ này khó phết đấy) thì sẽ thấy khá nhiều thứ thú vị. Anh chị cà khịa nhau không ngừng nghỉ, như mình từng nói nếu Geralt xứng đáng với cái tên Ông Vua của ngành cà khịa thì dứt khoát Yen là Nữ Hoàng của ngành cà khịa, vì chỉ có nữ hoàng mới đủ trình làm đức vua cứng họng. Khi Yen cởi quần áo và bắt Geralt quay người đi, Geralt đã chọn 1 góc ngồi sao cho có thể nhìn thấy Yen qua cái gương trc mặt, nhưng Yen đã ngay lập tức phát hiện và dùng ma thuật xoay cái gương đi. Nói chung Geralt ở ngoài thì lắm trò nguy hiểm cà khịa bất cứ ai chứ cứ gặp Yen là tắt điện toàn tập bà con ạ. Giác quan witcher của Geralt cũng vô cùng nhạy bén, anh lập tức nhận ra sắc đẹp của Yen là đã qua chỉnh sửa, tuy nhiên không khuyến khích anh em nói toẹt vào mặt mấy em phẫu thuật thẩm mỹ như cách Geralt làm với Yen, vì vết thương của anh em không mau lành được như tụi witcher đâu.
Đoạn hội thoại này cũng cho chúng ta thấy được điểm chung giữa hai người: cả hai cùng có một tuổi thơ vô cùng “kỳ diệu” và ” hạnh phúc”. Có lẽ đó chính là thứ khiến họ hiểu, đồng cảm với nhau ngay từ lần gặp đầu tiên. Hai con người cùng phải chịu chi chít những vết sẹo cả về thể chất lẫn tâm hồn, cùng phải vật lộn vượt qua một tuổi thơ đau đơn và dữ dội để tồn tại, và chính điều đó gắn kết họ với nhau.
Ngay sau đó có một khoảnh khắc mình rất thích. Khi Geralt nói “Anh ấy là một…” và Yen nói nốt “Người bạn?”. Geralt nói rằng “Tôi muốn đó không phải điều cuối cùng anh ấy nhớ”. Điều này nói lên rằng Geralt vô cùng áy náy việc anh đã từ chối gọi Jaskier là bạn, anh không muốn đó là điều cuối cùng anh nói với Jaskier, vì cho dù luôn mồm từ chối, thâm tâm Geralt vẫn thực sự coi Jaskier là một người bạn. Xét cho cùng thì, những người trò chuyện và đối xử với Geralt theo cái cách mà Jaskier làm cũng không hề nhiều.
Tại khúc Yen cố gắng giam giữ thần đèn, cô sử dụng bẫy để giam tên thần đèn lại, với mục đích bắt hắn chữa lành bệnh vô sinh cho mình để đổi lấy việc thả hắn đi. Tại sao cô từ chối việc Geralt muốn dùng điều ước cuối của mình để ước điều cô muốn? Bởi vì cá tính của Yen là cực mạnh, mang cái tôi và ham muốn uy quyền cực lớn, cô không chấp nhận bị người khác thương hại hay giúp đỡ, cô muốn làm bằng chính sức mình, Geralt muốn giúp cũng phải hỏi ý kiến trước, và khi Yen không đồng ý cũng đâu có dám giúp đâu. Lúc sau chỉ mở miệng chê bai kế hoạch của Yen có một câu thôi mà ăn chửi sấp mặt đó, hoa càng đẹp càng nhiều gai, gái càng xinh và tài giỏi thì càng ghê gớm anh em ạ.
Khả năng là nhiều bạn xem phim cũng chưa hiểu được ông Geralt ước gì mà vèo cái đã thấy hết ba điều, thì đây: Ba điều ước của Geralt (theo như bản phim, bản tiểu thuyết thì có khác chút xíu)
Tổng kết lại về câu chuyện thần Djinn này, chắc anh em quá dễ dàng nhận ra một lần nữa một câu chuyện cổ tích được chuyển thể sang phiên bản đen tối như vũ trụ DC, còn ai khác ngoài Aladdin và Cây Đèn Thần, thực ra thì văn hóa châu Âu và Ba Lan cũng có một số câu chuyện về Thần Đèn với nội dung tương tự, một số phiên bản thì Thần Đèn nằm trong chai chứ không phải trong đèn.
Để nói về sự khác biệt giữa thực tế và lý thuyết, giờ tui hỏi anh em, nếu anh em là một vị thần có quyền năng bá đạo, có thể làm bất cứ cái gì chỉ với một cái búng tay, cứ cho là đang bị nhốt trong một cái đèn đi, thế khi làm xong ba điều ước cho ai đó rồi, được giải thoát rồi xong anh em có chui lại vào cái đèn để nằm chờ thằng khác nhặt được lại đi hầu nó tiếp không? Quên đê, nếu là tôi, tôi sẽ cao chạy xa bay đến tận cùng thế giới, thằng nào tìm ra tôi, tôi sẽ biến nó thành con ốc sên trước khi nó kịp ước ủng gì! Đấy nghĩ vậy là anh em đủ thấy cái câu chuyện Thần Đèn trong cổ tích nó hư cấu vãi chưởng, nếu anh em nghĩ giống tôi, chào mừng tới với Hội những người thích phá hoại tuổi thơ.
Thần Đèn ở vũ trụ này không không phải là anh béo màu xanh thân thiện tốt bụng, không hiền lành vui tánh, cũng không khoái kết bạn với hoàng tử, mà cũng đếch lịch sự với chủ nhân, vụ ước ủng chỉ là nghĩa vụ hoy, nên là ước khẩn cmn trương lên để anh còn té, nhà bao việc. Chàng Aladin xứ Rivia thì cũng nghèo thật, nhưng mà cóc có tốt bụng, và anh có sở thích tao nhã đi chịch dạo. Nàng công chúa Jasmine – Yennefer cũng chẳng tốt đẹp gì, cuồng quyền lực, bắt nạt bạo hành chàng Aladin như súc vật luôn, tuy nhiên có một ưu điểm là không tiểu thư bánh bèo.
Cái kết của ba điều ước cũng chẳng mĩ mãn như câu truyện gốc, chẳng có lâu đài, biển vàng biển châu báu, hay ngôi vị hoàng tử, Aladin và Jasmine phiên bản đời thực vẫn phải trầy trật kiếm ăn qua ngày, họ cũng chửi bới gắt gỏng nhau suốt (chủ yếu là vợ chửi chồng thôi chứ thằng chồng tuổi gì ý kiến), nhưng điều quan trọng là họ có nhau, họ cùng nhau chia sẻ túp lều tranh hai trái tim vàng, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau đi tới chân trời góc bể sống đến đầu long răng bạc… thôi sến quá bỏ qua đi. Với lại xét cho cùng thì trách ai bây giờ? Trách thằng Aladdin ước quá ngu thôi … Mà cũng thực tế mà, thằng nào dính vào gái thì cũng ngáo hết cả lên thôi, chẳng nhớ ra ước tiền với lâu đài được đâu, chắc ý ông tác giả là vậy, bài học cho anh em muốn tỉnh táo và giàu có đừng dây vào gái.
Nói về Yennefer, tôi tin nhiều người sẽ dùng những từ ngữ như điên rồ hay cố chấp, nhưng xét cho cùng, ai trong chúng ta mà không từng có một thời mang trong mình một khát khao cháy bỏng, để rồi sẵn sàng dại khờ vì nó. Khát khao của Yen không đơn thuần chỉ là được làm mẹ, hay được quyền năng, cô muốn nhiều hơn thế, cô muốn “mọi thứ”, là khát khao của một kẻ vươn lên từ dưới đáy xã hội, của một kẻ chịu quá đủ sự dày vò chà đạp, tới mức mọi sự bù đắp đều là không đủ.