Phân tích cốt truyện ‘The Lesser Evil’ (phần 2): Renfri, Nàng Bạch Tuyết lạc lối
Như đã hứa với anh em, tiếp nối một nội dung mà do quá dài dòng mà mình đã lược bớt khỏi bài phân tích phần 1, nợ anh em đến phần 2. Sau đây là phân tích chi tiết về hành trình của Renfri, một nhân vật mang tính biểu tượng và rất có chiều sâu, đáng tiếc thay phim dành một thời lượng quá ít cho cô khiến những bạn xem phim khó mà hiểu được nhân vật này.
Câu chuyện cuộc đời cô là một câu chuyện ăn khớp tuyệt đối với câu chuyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn, nhưng không màu hồng, mộng mơ và có hậu như thế, một phiên bản Bạch Tuyết không ở trong Disneyland mà ở giữa một thế giới độc ác, tàn bạo, dark deep và suy đồi.
“Bạch Tuyết” Renfri là con gái của Fredefalk, hoàng tử xứ Creyden với người vợ cũ, mẹ kế của cô là Aridea. Aridea cũng có một chiếc gương thần biết nói, và khi chiếc gương tiên đoán rằng bà sẽ chết dưới tay Renfri, bà ngay lập tức liên hệ với một pháp sư, chính là Stregobor để điều tra nghiên cứu về Renfri. Việc Renfri sinh ra vào ngày nhật thực và có tính cách tàn bạo là có thực. Việc cô bị đột biến và có những khả năng khác thường cũng là sự thật. Ngay từ bé Renfri đã có sở thích hành hạ động vật và cả người, từng móc mắt một người hầu gái bằng một cái cán lược. Stregobor là người đã thí nghiệm Renfri, xác nhận với mẹ kế của cô về lời nguyền và là nguyên nhân chính khiến Renfri bị đuổi đi và truy sát. Khi bị Aridea tìm cách giết hại bằng cách gửi vào rừng với một tên côn đồ, cô giết hắn bằng một cây ghim cài áo đâm vào mắt xuyên qua não.
Sau đó, “Nàng Bạch Tuyết” Renfri gặp “Bảy Chú Lùn” là bảy tên lùn làm thợ mỏ, cũng giống nguyên tác, “Bảy Chú Lùn” nuôi nàng ăn đổi lại là thay nhau ngủ với “Nàng Bạch Tuyết” (chắc anh em cũng hiểu không phải ngủ nghĩa đen giống phiên bản Disney đâu nhở). Sau đó, cô thuyết phục bảy người rằng đi cướp kiếm được nhiều hơn là làm thợ mỏ, và bắt đầu có biệt danh là Shrike vì sở thích xiên người ta lên cọc khi còn đang sống, cô giết tất cả sát thủ do bà mẹ kế gửi đến, từng bị đầu độc bằng một quả táo độc theo đúng câu truyện gốc nhưng thoát chết. Và rồi Bạch Tuyết quyết định không chịu đựng làm con mồi nữa, bố của cô, hoàng tử Fredefalk chết trong một tai nạn đi săn đáng ngờ, mẹ kế của cô chết bệnh nghi là bị đầu độc, con trai cả của Aridea mất tích không dấu vết, tất cả đều là chiến công của “Bạch Tuyết” Renfri khi còn chưa tròn 17 tuổi.
Rồi đến một ngày, băng cướp “Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn” nổi tiếng bỗng tan rã, có thể do xích mích chia chác tiền hoặc chia chác lịch ngủ với “Bạch Tuyết”, “Bảy Chú Lùn” bốc hơi và chỉ còn lại mình “Bạch Tuyết” sống sót (chỗ này nói phát chắc anh em fan Conan khỏi cần điều tra cũng hiểu). Rồi “Bạch Tuyết” chạm trán ông pháp sư Stregobor, và theo như lời Stregobor thì “Bạch Tuyết” nhảy tới hắn với lưỡi kiếm trên tay nhanh tới mức hắn chỉ vừa kịp thốt lên 1 lời nguyền suýt soát kịp lúc thanh kiếm chuẩn bị thọc vào cổ hắn, mất một lúc sau hắn vẫn còn đang run đ*I ra quần. Tuy nhiên thì Stregobor đã kịp biến “Nàng Bạch Tuyết” thành một quả cầu pha lê (lúc này chưa đủ level nên Renfri chưa có năng lực kháng ma thuật), hắn quẳng quả cầu xuống hầm mỏ rồi đánh sập nó.
Nhưng câu chuyện “cổ tích” vẫn tiếp tục, một ngày nọ, một chàng hoàng tử bạch mã tìm thấy nàng Bạch Tuyết, đốt cả một gia tài để giải lời nguyền cho “nàng”. Khi bị cha chồng và anh chồng tương lai tra hỏi về kho báu của băng cướp, Nàng Bạch Tuyết của chúng ta trả ơn bằng cách… giết cả nhà họ, chỉ chừa lại duy nhất người con cả, hắn bỏ cả người tình để lấy Nàng Bạch Tuyết, và lên ngôi vua. Bạch Tuyết vẫn không quên mối thù với pháp sư Stregobor và vẫn lùng tìm trả thù liên tục, năng lực đột biến của cô khiến cho cô miễn nhiễm với pháp thuật và có thể nhanh chóng tìm ra nơi ở mới của tên pháp sư mỗi lần hắn bỏ trốn. Và đúng lúc Stregobor không còn nơi nào để trốn nữa, và đúng lúc Renfri một lần nữa tập hợp một băng nhóm mới và tìm ra hắn, thì Geralt xuất hiện, như một sự sắp đặt hoàn hảo của định mệnh.
Cuộc hội thoại giữa Renfri và Geralt trong truyện thú vị hơn, hài hước hơn phim và không có mấy câu lèm bèm liên tục về cô bé trong rừng chả ăn nhập gì như phim, giúp ta thấy được thêm một chút về một Renfri rất khác, mơ hồ rằng, hình như đâu đó trong tên cướp máu lạnh này, vẫn còn chút gì đó của Nàng Bạch Tuyết thực sự. Renfri ghét bị gọi bằng cái tên Shrike, và cô vẫn luôn tiếc nuối mái tóc mềm như lụa dài quá cả hông, nuối tiếc những chiếc váy đẹp, và quan trọng nhất, cô vẫn muốn cố gắng tránh một cuộc thảm sát, bằng cách thương thảo với Geralt. Một chi tiết nữa không hiểu sao lại cắt đi khỏi phim: Khi Geralt hỏi cô có phải lả một con quái vật không, chính Renfri cũng không chắc và hỏi ngược lại: “Anh thử trả lời đi”, Geralt đã nói rằng “Tôi nghĩ là không”.
Quái vật thì có lẽ là không phải. Nhưng liệu Renfri có phải thực sự bị ảnh hưởng bởi một cái gọi là “Lời nguyền Mặt Trời Đen” hay không?
Hay tất cả mớ lời nguyền kia chỉ là nhảm nhí và cô chỉ là nạn nhân của những sự mê tín và những âm mưu hãm hại mình, của sự ghẻ lạnh, tàn ác từ chính những người thân ruột thịt? Một nhân vật phản diện có sức mạnh đột biến, sự tàn bạo và khao khát trả thù. Hay là một cô công chúa bị ép đến đường cùng rồi buộc phải trở nên gai góc để bảo vệ mình? Có lẽ tất cả đều đúng, mà có lẽ tất cả đều sai. Ranh giới giữa một con người và một con quái vật thực sự là mong manh như vậy đấy.
Về Renfri bản trên phim, mình đánh giá rất cao diễn viên đóng vai này. Thần thái và gương mặt cô đúng thực sự làm cho người xem có được cái cảm giác chênh vênh giữa một nàng công chúa và một con quái vật: khi thì mong manh dễ thương, ngọt ngào và quyến rũ, khi lại điên loạn, tàn ác và dữ dội.
Đoạn cuối của cuộc đời Bạch Tuyết thì trên phim đã tái hiện, một cái kết đơn giản, thực tế, không có phép màu của bà tiên nào hết, không có “hạnh phúc mãi mãi về sau”, cũng không có “nụ hôn của chàng hoàng tử bạch mã” (à thực ra có được hôn, nhưng người hôn cô không phải hoàng tử bạch mã, và thay vì hồi sinh cô thì thằng cha đó xiên cô không trượt phát nào – nói đến đây tôi lại thấy hình tượng này quen quen).
Câu chuyện Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn phiên bản đen tối, mặn đắng và đầy máu me bạo lực đến đây là kết thúc, xin anh em thứ lỗi nếu như tôi có trót phá hỏng tuổi thơ của ai đó. Tôi cũng là nạn nhân thôi vì ông tác giả cũng phá hỏng mịa tuổi thơ của tôi không chỉ lần này đâu, còn nhiều lần khác nữa cơ.
Những câu chuyện này không hề là sự trùng hợp, đích thân tác giá bộ truyện đã nói rằng ông lấy cảm hứng từ những câu truyện cổ tích thế giới và truyện dân gian Ba Lan, lồng ghép khéo léo vào thế giới witcher và chuyển thể nó thành một phiên bản đời thực hơn, đen tối hơn, bạo lực hơn, nhưng cũng logic hơn, thành những câu chuyện rất quen nhưng lại rất… sai sai. Anh em nào lớn rồi xong đọc lại mấy truyện cổ tích của trẻ con mà một thời mình say mê như điếu đổ, xong cảm thấy mấy truyện đấy hư cấu và nhiều đoạn vô lý vãi chưởng thì hẳn sẽ khoái. Đó là cái chất riêng của The Witcher mà mình có thể khẳng định rằng chưa từng có tiểu thuyết nào mình từng đọc có thể đem lại được.