Bá Tước Monte Cristo – Cuốn tiểu thuyết của Tình Yêu và Thù Hận
Chẳng ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Có một câu nói rất hay của vị triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus như vậy. Không rõ các bạn có từng thử kiểm chứng câu nói đó chưa, bằng cách đọc lại một cuốn truyện cũ, xem lại một bộ phim cũ, rồi phát hiện ra rằng mình đã có một góc nhìn rất mới cho tác phẩm “cũ” đó. Kiểu như hồi bé xem Tom&Jerry thấy thích Jerry vãi chưởng, đến khi lớn lên xem lại thấy tội Tom, và nhận ra Jerry đúng là một thằng khốn nạn. Nếu bạn chưa từng, hãy thử, cảm giác ấy rất tuyệt đó.
Về phía mình, mình đã từng trải nghiệm điều đó. Có nhiều người nói với mình là tại sao lại có đủ kiên nhẫn đọc lại một cuốn sách, hay xem lại một bộ phim khi mà đã biết hết mọi thứ. Câu trả lời của mình là: “Cũng tùy vào cuốn sách hay bộ phim đó có giá trị xem lại như thế nào với mình”. Và trả lời cho câu hỏi “tại sao”, là bởi vì đôi khi một tác phẩm hàm chứa quá nhiều thông điệp, mà đôi khi trong 1 lần đọc, hay thậm chí trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, bạn chưa thể thấm hết được. Đôi khi phải đợi nhiều năm sau, khi nhìn lại, bạn mới có thể chuyển trạng thái từ “đọc” thành “thấm thía”, giống như một cậu học sinh năm nào ngồi học địa lý, chỉ biết nghe thầy cô giảng và chép, phải đến lúc tự mình xách ba lô lên và đi, mới thấm thía được thế nào là “thế giới”.
Với mình, có một tác phẩm minh chứng rõ rệt nhất cho điều này, một tác phẩm mà mình đã đọc tới năm lần, nhưng mỗi lần lại là một trải nghiệm rất khác lần trước. Nói cho chi tiết hơn, cảm xúc thì vẫn nguyên vẹn như xưa, nhưng suy nghĩ thì đã thay đổi không ít. Đó là tác phẩm “Bá tước Monte Cristo” của Alexandre Dumas. Những đánh giá về tác phẩm này, mình nghĩ không khó để các bạn tìm thấy ở rất nhiều nơi, vì đây là một tác phẩm rất nổi tiếng, và cũng đã rất lâu đời. Vì vậy trong bài viết này, mình xin chỉ chú trọng chia sẻ với các bạn cảm xúc, suy nghĩ cá nhân của mình về tác phẩm.
Lần đọc truyện đầu tiên của mình là khi còn là một thằng nhóc ham sách, ham mê những câu chuyện có sắc màu thần thoại. Lần đầu tiên đó mình say mê truyện đơn giản chỉ vì tìm thấy sự thưởng thiện phạt ác thường có trong những câu chuyện cố tích. Bên cạnh đó là cảm giác tò mò từ một chuyến phiêu lưu, sự thỏa mãn khi dõi theo một hành trình trả ơn, trả thù đầy cảm xúc và một cái kết đúng với luật nhân quả.
Lần đọc thứ hai, là ở cái tầm tuổi cấp ba mơ mộng, tìm thấy thêm một câu chuyện về tình yêu. Lần đầu tiên nhận ra tình yêu không phải lúc nào cũng giống nhau, mà có muôn kiểu yêu: tình yêu thủy chung và cao thượng như anh chàng Edmond Dantès với cô gái Mercédès, ngây thơ trong sáng như cô công chúa Hy Lạp Haydee, điên cuồng mãnh liệt của tuổi trẻ như Maximillien Morrel và Valentine, tình yêu nhỏ nhen, bất chấp thủ đoạn để chiếm đoạt người mình yêu như Fernand Mondego, cơ hội, vụ lợi như Villefort hay một tình yêu tính toán tới từng đồng cắc bạc của tay kế toán- chủ ngân hàng Danglars.
Lần đọc thứ ba, khi đã là một anh sinh viên, bắt đầu trăn trở tìm kiếm con đường riêng cho mình, trăn trở về lẽ sống, trăn trở mình sẽ trở thành ai, mình sẽ hướng đến điều gì trong cuộc sống này? Và tôi lại tìm thấy trong cuốn truyện cũ một bài học về con người. Cũng lại là muôn kiểu con người. Quý tộc có, lưu manh có, lưu manh giả danh quý tộc có, và quý tộc giả danh lưu manh cũng có luôn. Có kẻ coi tiền bạc là trên hết, có kẻ lại coi tình yêu là tất cả, có những người dung hòa được cả hai thứ đó, có kẻ thì ham muốn những thứ đó nhưng lại đớn hèn chẳng dám vươn tay ra mà đoạt lấy. Và tôi đã tìm ra được một hình mẫu để mình học theo, một con người mà tôi ngưỡng mộ bởi sự lịch thiệp, bởi một tình yêu cao thượng, một trí tuệ uyên thâm, một ý chí sắt đá và nghị lực phi thường, một cá tính dám yêu, dám hận, dám hành động và sẵn sàng trả giá. Muốn làm đàn ông, phải đàn ông được như bá tước Monte Cristo!
Lần đọc thứ tư, lần này là đã tốt nghiệp, bắt đầu rời xa khỏi cái ghế nhà trường mơ mộng, bước chân vào cuộc đời, vào xã hội để biết rằng đời chẳng như mơ, bắt đầu trải nghiệm đủ thứ bất công, xấu xa, giả tạo. Là một câu chuyện về xã hội, về những triết lý sâu xa, những hành trình dấn sâu vào tội lỗi và rồi đến hành trình đền tội. Ai cũng có tội, ai cũng xấu xa theo một cách nào đó và ai cũng phải đền tội, chịu đúng cái nghiệp mà mình đã gây ra, kể cả là nhân vật chính Monte Cristo. Kẻ ham địa vị tiền tài chịu cảnh sống trắng tay nghèo hèn tới chết, kẻ chiếm đoạt tình yêu chết cô độc sau khi chứng kiến tất cả những thứ mình đã chiếm đoạt được lần lượt rời bỏ mình, kẻ giết người thì đền mạng… và còn biết bao những kẻ xấu xa khác vẫn còn đang bước trên con đường chịu hình phạt của công lý.
Lần đọc thứ năm, là khi tôi đang buồn chán khi công việc không như ý, khi cuộc sống trở nên bế tắc. Lần này là một giá trị không mới, nhưng trước kia chỉ là những câu chữ tôi đọc rồi trôi qua, như một bài giảng khô khan trên lớp, chỉ biết ghi chép và học thuộc lòng, nhưng giờ thì đã hiểu, đã thấm thía và đã yêu: Hy vọng và chờ đợi. Có một điểm chung, giữa những người bạn và những bề tôi trung thành từng được bá tước Monte Cristo đền ơn hoặc cứu giúp. Ông luôn để đến lúc họ cận kề cái chết, khi họ không còn hy vọng gì nữa, khi đó ông mới cứu vớt lấy cuộc sống, lấy niềm tin của họ, để cho họ tin rằng cuộc đời này còn đáng sống, rằng chỉ cần họ đừng mất hy vọng, họ sẽ được đền đáp, chỉ cần họ dũng cảm gượng dậy bước tiếp, họ sẽ thấy rằng mình chưa cùng đường đâu! Đối với bá tước, giúp đỡ một người, cho họ tiền, cho họ sự nghiệp quả thực vô cùng đơn giản, nhưng ông muốn làm xa hơn thế, ông muốn cứu vớt cả niềm tin, muốn thay đổi cả suy nghĩ của họ. Bởi vì ông cũng từng như vậy, từng muốn chết, từng từ bỏ mọi hy vọng, và cũng đã từng có người xuất hiện đúng khoảnh khắc cuối cùng để kéo ông lên khỏi vực sâu ấy, hơn ai hết ông hiểu rằng điều đó đã thay đổi ông mạnh mẽ tới mức nào.
Vậy đó, không phải vô cớ mà mình có thể đọc lại một cuốn tiểu thuyết tới năm lần, thậm chí bây giờ mình thuộc luôn chính xác từng câu thoại, từng nhân vật phụ và từng chi tiết nhỏ nhất trong truyện. Bá tước Monte Cristo đến nay vẫn là cuốn tiểu thuyết mình tâm đắc nhất, đem lại cho mình nhiều cảm xúc, nhiều suy tư nhất, và mình tin rằng mình vẫn sẽ còn đọc lại tiếp, biết đâu, đến khi trở thành một ông già râu tóc bạc phơ, mình vẫn lại ngộ ra thêm một góc nhìn mới nữa thì sao nhỉ?
Nếu bạn chưa từng đọc truyện, mình cực kỳ khuyên bạn hãy đọc, đây là tác phẩm mà mình đã giới thiệu cho tất cả những bạn bè yêu sách mà mình biết, bất cứ khi nào có người nhờ mình tư vấn một cuốn tiểu thuyết nên đọc, câu trả lời đầu tiên luôn là Bá Tước Monte Cristo của Alexander Dumas. Tất nhiên mình không dám khẳng định bạn sẽ thích nó giống mình, vì sở thích chẳng ai giống ai được cả, nhưng nếu bạn cảm thấy hứng thú với những điều mình viết ở trên, với một câu chuyện vừa có tình yêu, vừa có thù hận, những âm mưu được xây dựng tinh vi, một màn trả ơn và trả thù ngoạn mục và đầy cảm xúc, mình tin thời gian của bạn sẽ không bị uổng phí đâu.
Truyện đã được chuyển thể thành phim, về bản phim thì mình đánh giá là ổn, tuy nhiên có một điểm trừ lớn là có khá nhiều tình tiết bị thay đổi so với truyện, những thay đổi này mình đánh giá hầu hết là đều làm cho câu chuyện tệ hơn. Vì vậy nên mình vẫn khuyên các bạn hãy đọc truyện, chỉ có bản truyện là phiên bản hoàn hảo nhất mà thôi.