Trò chơi vương quyền – Xa hơn những Thành phố tự trị

Trò chơi vương quyền – Xa hơn những Thành phố tự trị

Tựa sách: Thế giới của Băng và Lửa (tựa gốc: The World of Ice & Fire)

Tác giả: George. R.R. Martin

Nhóm dịch: Bapstory.net

Chúng ta có thể biết được hết những vùng đất và dân tộc tồn tại trên thế giới này không? Chắc chắn là không. Những chiếc bản đồ mà chúng ta có đều không thể vẽ được hết, và dù là tấm bản đồ chi tiết nhất cũng đều để lại rất nhiều dấu hỏi về những vùng đất xa xôi phía Đông, thể hiện rất nhiều những khoảng trống mà chúng ta chưa biết tới. Thế nhưng chúng vẫn mang lại cho ta nhiều điều để thảo luận về những nơi mà chúng ta đã biết, dù cho những nơi này rất hiếm khi thông thương với Bảy Vương Quốc, thậm chí hiếm hoi hơn nhiều khi so với cả Những Thành Phố Tự Trị.

Nằm ở phía Nam Westeros, giữa vùng biển xanh thẳm của Biển Hạ, Quần Đảo Mùa Hạ quanh năm tắm mình dưới ánh nắng mùa hè của phương Nam. Có hơn năm mươi hòn đảo quây quần tạo nên quần đảo xanh tươi này. Rất nhiều trong số chúng nhỏ tới mức một người có thể đi bộ từ đầu này sang đầu kia chỉ trong một giờ đồng hồ, nhưng Jhala, hòn đào lớn nhất, thì trải dài tới hai trăm dặm. Bên dưới những rặng núi xanh rì cao chọc trời nơi đây là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn, những khu rừng mưa ẩm ướt, những bãi biển có cát màu xanh và đen, những con sông hung dữ với nhiều loài cá sấu dữ tợn, và những thung lũng phì nhiêu. Walano và Omboru, dù chỉ có kích thước chưa bằng một nửa Jhala, nhưng đều là những hòn đảo lớn hơn cả vùng Stepstone cộng lại. Ba hòn đảo này là nơi cư ngụ cho gần chín phần mười dân số của quần đảo.

Hàng ngàn loài hoa có nguồn gốc khác nhau đua nhau nở tại Quần Đảo Mùa Hạ, lan tỏa mùi hương khắp không trung. Cây cối thì trĩu nặng những loại quả kỳ lạ, và hàng vạn loài chim sặc sỡ đủ màu bay lượn trên bầu trời. Từ bộ lông của chúng, cư dân đảo đã làm ra những chiếc áo khoác lông tuyệt đẹp. Bên dưới những khu rừng mưa, những loài báo đốm to hơn cả những con sư tử và những bầy sói đỏ cư ngụ. Những đàn khỉ đánh đu qua những cành cây phía trên. Có cả những con vượn nữa, được mệnh danh là “lão già đỏ” tại Omboru, những bộ da lông trong những rặng núi ở Jhala, và những kẻ đi săn đêm ở Walano.

Quần đảo Mùa Hạ

Cư dân ở Quần Đảo Mùa Hạ có tông màu tối, mắt đen và tóc đen, da của họ hoặc nâu như gỗ tếch, hoặc đen bóng như hạt huyền. Theo rất nhiều tài liệu về lịch sử của họ, họ sống tách biệt với phần còn lại của nhân loại. Những chiếc bản đồ từ thuở sơ khai của họ, được khắc vào những cái Cây Biết Nói nổi tiếng ở Thị Trấn Cây Cao, không thể hiện vùng đất nào khác ngoài những hòn đảo của họ, bao quanh bởi đại dương rộng lớn. Là những cư dân đảo, họ đi biển từ rất sớm, đầu tiên là trên những con thuyền nhỏ với mái chèo, sau đó thay thế bằng những con tàu lớn hơn và nhanh hơn, với những chiếc buồm được dệt bằng sợi đay, thế nhưng rất ít người dám liều lĩnh đi quá xa khỏi những bờ biển của họ… và những kẻ mạo hiểm đi khuất xa đường chân trời không phải lúc nào cũng trở về.

Lomas Longstrider, người từng ghé thăm Quần Đảo Mùa Hạ để tìm kiếm những kỳ quan, đã ghi chép lại những học giả nơi đây khẳng định rằng tổ tiên họ đã từng tới tận những bờ biển phía Tây vùng Sothoryous và tìm thấy những thành phố ở đó, để rồi bị áp đảo bởi cùng một thế lực đã từng càn quét những lãnh thổ của người Ghiscari và Valyria tại lục địa nguy hiểm này. Thư viện tại tòa Citadel vẫn còn lưu giữ một vài biên niên sử cổ xưa về Valyria, nhưng chẳng có tư liệu nào nhắc tới những thành phố này, và nhiều học sĩ cũng đặt nghi vấn về tính xác thực của những khẳng định trên.

Lần giao tiếp đầu tiên giữa Quần Đảo Mùa Hạ với thế giới bên ngoài được ghi nhận là vào thời kỳ đỉnh cao nhất của Đế Chế Cổ Ghis. Một thuyền buôn người Ghis đã cập bến Walano sau khi bị vùi dập bởi một cơn bão, và phải hoảng loạn bỏ chạy ngay khi lần đầu nhìn thấy những cư dân địa phương, người Ghiscari lầm tưởng họ là ác quỷ bởi làn da cháy nắng đen như bị luyện bởi hỏa ngục. Sau đó, những thủy thủ người Ghis bảo nhau tránh xa Đảo Ác Quỷ, tên mà họ đặt cho đảo Walano, họ cũng không hề biết đến sự tồn tại của Omboru, Jhala, và những đảo nhỏ hơn.

Lần gặp gỡ này cũng có một tác động sâu sắc đối với chính cư dân Quần Đảo Mùa Hạ, vì điều này đã chứng minh cho họ thấy rằng có con người sống ở những vùng đất bên kia đại dương. Sự tò mò của họ (và cả tham lam nữa) do đó đã trỗi dậy, các vị hoàng tử của quần đảo bắt đầu đóng những con thuyền lớn hơn và mạnh mẽ hơn, đủ khả năng mang theo lương thực, đồ dùng để vượt qua suốt chiều dài của đại dương trong khi vẫn có thể chống chịu được những cơn bão tàn bạo nhất trên biển. Malthar Xaq, một hoàng tử của hòn đảo nhỏ Koj, là người vĩ đại nhất trong số những kẻ đóng tàu này, và được tưởng nhớ tới tận ngày nay với cái tên Malthar Kỵ Sĩ Gió và Malthar Người Vẽ Bản Đồ.

Một kỷ nguyên thám hiểm và thông thương mới đã bắt đầu, những chiếc thuyền lớn khởi hành băng qua đại dương, phái đi bởi Malthar và những vị hoàng tử bằng hữu của ông. Rất nhiều tàu đã không trở về. Nhưng đa phần là đã làm được. Naath, Quần Đảo Basilisk, bờ biển phía Bắc Sothoryos, và bờ biển phía Nam của cả Westeros lẫn Essos đều được ghé thăm, và trong chưa đầy nửa thế kỷ, một nền thông thương thịnh vượng đã phát triển giữa Quần Đảo Mùa Hạ với đế chế Freehold của người Valyria. Các hòn đảo thiếu thốn sắt, thiếc và các kim loại khác, nhưng lại rất giàu đá quý (ngọc lục bảo, hồng ngọc, ngọc bích và ngọc trai đủ loại), gia vị (hạt nhục đậu khấu, quế và hạt tiêu) và gỗ cứng. Một thời trang mới được các lãnh chúa rồng ưa chuộng là quần áo da khỉ, vượn, báo, và các loài vẹt. Gỗ đỏ, gỗ mun, gỗ gụ, gỗ ruột tía, gỗ mahoe xanh, mắt gỗ, gỗ hổ, gỗ vàng tâm, gỗ ngà hồng, và nhiều loại gỗ quý hiếm khác cũng có nhu cầu rất cao, cùng với rượu cọ, hoa quả và các loại lông thú.

Người Valyria cũng mua cả nô lệ nữa. Cho tới ngày nay, dân Quần Đảo Mùa Hạ đều là những người đẹp mã, cao ráo, khỏe mạnh, duyên dáng và lanh lợi. Những phẩm chất này thu hút những kẻ cướp biển và buôn nô lệ từ Valyria, Quần Đảo Rắn, và Old Ghis. Những tiếng khóc than vang lên khi lũ cướp biển hiện diện tại các ngôi làng yên bình và bắt những dân làng nơi đây thành nô lệ. Đôi khi, các hoàng tử quần đảo còn tiếp tay cho hành động mua bán này bằng cách bán những tù binh và những kẻ chống đối làm nô lệ.

Cuốn sách Những Đứa Trẻ Mùa Hạ của học sĩ Gallard vẫn là nguồn tư liệu chính về lịch sử của Quần Đảo Mùa Hạ. Rất nhiều tư liệu lịch sử- từng bị lầm tưởng rằng những ghi chép lịch sử của Quần Đảo Mùa Hạ được ghi chép lại bằng những bài thơ ca rất phức tạp và theo vần – đều được ghi lại rất rõ ràng nhờ vào công sức không biết mệt mỏi của ông. Dù cho vẫn còn một số tranh cãi nhất định – những nghi vấn của Mollos về tiểu sử của các vị hoàng tử xa xưa của đảo Walano do Gallard ghi lại là một ví dụ – không có tư liệu nào về chủ đề này có thể xuất sắc hơn cuốn sách của ông.

Những sự kiện lịch sử được khắc trên những Cây Biết Nói đã cho chúng ta biết rằng “Những Năm Ô Nhục” đã tồn tại trong suốt gần hai thế kỷ, cho tới khi một nữ chiến binh mang tên Xanda Qo, Công Chúa Của Thung Lũng Hoa Sen (chính cô cũng từng có một thời gian bị bắt làm nô lệ), đã thống nhất toàn bộ các đảo và chấm dứt quãng thời gian này.

Vì sắt rất khan hiếm và đắt đỏ trên quần đảo này, nên giáp trụ rất ít được biết tới, và những cây thương dài dùng để chọc hay những cây thương ngắn để đâm trở nên kém giá trị hơn những cây kiếm hay rìu bằng sắt của những người nô lệ, vậy nên Xanda Qo đã trang bị cho những thủy thủ của mình bằng những chiếc trường cung làm từ gỗ vàng tâm, loại gỗ chỉ có thể tìm thấy được ở đảo Jhala và Omboru. Những chiếc cung lớn này có tầm bắn xa vượt trội so với những chiếc cung uốn cong được làm từ sừng và gân  mà các nô lệ thường hay sử dụng, có thể bắn một mũi tên với chiều dài tới một mét và đủ cứng để xuyên thủng qua các loại giáp lưới, áo da thuộc hay thậm chí là những chiếc giáp sắt loại tốt.

Con tàu thiên nga của Quần đảo Mùa Hạ

Để tạo cho những cung thủ của mình vị trí vững chắc hơn để kéo cung và nhắm bắn, Xanda Qo đã đóng những chiếc tàu lớn hơn bất cứ con tàu nào từng được thấy tại Biển Hạ – những chiếc thuyền cao lớn được ghép khít lại với nhau mà không cần dù chỉ một chiếc đinh, những bức vách được làm từ loại gỗ cứng quý hiếm lấy từ các hòn đảo được cho là còn mạnh mẽ hơn cả ma thuật, do đó, hàng loạt những tàu nô lệ đã bị nứt hay vỡ vụn khi đối đầu với chúng. Sức mạnh tương đồng với tốc độ, những con tàu của nàng có mũi nhọn cao và cong chạm khắc hình những con chim và thú. Những chiếc “cổ thiên nga” này đã mang đến cho chúng danh xưng là “những con tàu thiên nga.”

Mặc dù phải mất gần một thế hệ, nhưng Dân Quần Đảo Mùa Hạ, do con gái của Công chúa Xanda (và cũng là người kế vị cuối cùng) Chatana Qo, Mũi Tên Của Jhahar lãnh đạo, cuối cùng vẫn thắng thế trong cuộc chiến được gọi là Cuộc Chiến Nô Lệ. Mặc dù sự thống nhất của các hòn đảo đã không tồn tại được tới hết triều đại của chính nàng (vì Mũi Tên đã kết hôn không khôn ngoan và cai trị cũng không giỏi như cách mà nàng đã chiến đấu), nhưng thậm chí tới tận bây giờ,  dân nô lệ vẫn bỏ chạy ngay khi nhìn thấy một con tàu thiên nga, vì ai cũng biết rằng mỗi con tàu kiêu hãnh này đều mang theo một nhóm cung thủ chết chóc được trang bị những chiếc cung tên vàng. Cho đến ngày nay, những nam cung thủ (và cả nữ cung thủ) của Quần Đảo Mùa Hạ vẫn được ca tụng là những cung thủ mạnh nhất trên thế giới. Cung của họ vượt trội so với mọi loại cung thông thường, vì các hoàng tử của quần đảo đã cấm xuất khẩu gỗ vàng tâm kể từ Cuộc Chiến Nô Lệ; người ta nói rằng chỉ những cây cung làm bằng xương rồng mới có thể vượt qua những cây cung gỗ vàng tâm, và chúng cực kỳ hiếm.

Người ta nói rằng một số người dân Quần Đảo Mùa Hè mong muốn nhìn thấy thế giới rộng lớn hơn đã lên tàu với tư cách là lính đánh thuê và cung thủ. Những người khác thì gia nhập bọn cướp biển của Quần Đảo Basilisk; một số trở thành những thuyền trưởng bóng tối nổi tiếng qua những hành động được nhắc đến với nỗi khiếp sợ ở các bến cảng xa tới tận Qarth và Oldtown. Người dân Quần Đảo Mùa Hạ đã vươn lên những vị trí cao trong các tổ chức tự do của Disputed Lands, với tư cách là lính hộ vệ theo đoàn tùy tùng của các ông hoàng buôn bán của các Thành phố Tự trị, hoặc như những võ sĩ chiến đấu trong các thành phố nô lệ của Astapor, Yunkai và Meereen… nhưng dù cho sở hữu sức mạnh khác người và kỹ năng sử dụng vũ khí mà họ thể hiện là rất xuất chúng, người dân quần đảo không phải là những người hiếu chiến.

Người dân Quần Đảo Mùa Hạ chưa từng một lần xâm chiếm bất kỳ vùng đất nào bên ngoài bờ biển của họ cũng như không tham dự vào bất kỳ cuộc chinh phục nào của những người bên ngoài. Những con tàu thiên nga vĩ đại của họ đi xa hơn và nhanh hơn các tàu của bất kỳ quốc gia nào khác, đến tận cùng trái đất, tuy nhiên các hoàng tử của Quần Đảo Mùa Hạ không đóng những chiếc tàu chiến như vậy và dường như thích buôn bán và thám hiểm hơn là chinh phục.

Trong suốt lịch sử lâu dài của mình, Quần đảo Mùa Hạ được thống nhất dưới một người cai trị không quá nửa tá lần, và không bao giờ dài lâu. Ngày nay, mỗi hòn đảo nhỏ hơn đều có người cai trị riêng, xưng là một hoàng tử hoặc công chúa theo Ngôn Ngữ Chung; những hòn đảo lớn hơn (Jhala, Omboru và Walano) thường có một số hoàng tử đối đầu nhau.

Tuy nhiên, quần đảo này nhìn chung vẫn là một nơi yên bình. Những cuộc chiến như trên thường được diễn ra theo kiểu nghi thức hóa, với những trận chiến giống như những giải đấu, trong đó các nhóm chiến binh gặp nhau trên các chiến trường được chỉ định và được ban phước, đôi khi được cầu nguyện bởi các tu sĩ. Họ chiến đấu bằng giáo, dây thừng và khiên gỗ, giống như tổ tiên của họ đã làm cách đây năm nghìn năm; những chiếc cung tên bằng gỗ vàng tâm và những mũi tên dài một thước từng được các cung thủ của họ mang theo trong những trận chiến chống lại kẻ thù từ bên kia biển không bao giờ được sử dụng để chống lại người của chình họ, vì các vị thần linh của họ đã cấm điều này.

Các cuộc chiến trên Quần đảo Mùa Hạ hiếm khi kéo dài hơn một ngày, và không gây hại cho bất kỳ ai ngoại trừ chính các chiến binh. Không có cây trồng nào bị phá hủy, không có những ngôi nhà bị thiêu rụi, không có thành phố nào bị cướp phá, không có trẻ em bị hại, không có phụ nữ bị hãm hiếp (mặc dù những nữ chiến binh cũng tham chiến bên cạnh những người đàn ông). Ngay cả những hoàng tử bị đánh bại cũng không bị giết hay tra tấn mặc dù họ phải từ bỏ quê hương và cung điện để sống những ngày còn lại với đời lưu vong.

Mặc dù Jhala là hòn đảo lớn nhất của Quần Đảo Mùa Hạ, nhưng Walano lại là đảo đông dân nhất. Nơi đây có Last Lament, với những bến cảng vĩ đại, Lotus Point im lìm và Thị Trấn Cây Cao lấp lánh ánh nắng, nơi các nữ tu sĩ mặc áo choàng lông vũ khắc những bài hát và câu chuyện vào thân những cây tháp khổng lồ che bóng mát cho thị trấn. Trên Những Cây Biết Nói này, bạn có thể đọc toàn bộ lịch sử của cư dân Quần Đảo Mùa Hạ, cùng với những điều răn của nhiều vị thần và những luật lệ đã làm nên cuộc sống của họ.

NHỮNG HÒN ĐẢO KHÁC THUỘC QUẦN ĐẢO MÙA HẠ

Trong khi Jhala, Walano và Omboru thống trị quần đảo này, một số các hòn đảo nhỏ hơn cũng đáng được đề cập tới:

NHỮNG TẢNG ĐÁ HÁT, phía tây của các đảo chính, có các đỉnh lởm chởm có nhiều lỗ thông khí đến nỗi chúng tạo ra thứ âm nhạc kỳ lạ khi gió thổi. Những người dân vùng Tảng Đá Hát có thể nhận biết hướng  gió thổi từ âm thanh bài hát của chúng. Thần thánh hay con người đã dạy cho đá hát?, không ai có thể biết được.

ĐẦU ĐÁ, hòn đảo cực bắc trong quần đảo, rõ ràng là thành quả do con người tạo nên; mặt phía bắc của tảng đá nhô ra biển này đã được chạm khắc theo hình một vị thần mang dáng vẻ nghiêm nghị đã bị lãng quên nào đó, đang hăm dọa biển cả. Ông ta là hình ảnh cuối cùng mà người dân Quần Đảo Mùa Hạ nhìn thấy khi họ đi thuyền về phía bắc đến Westeros.

KOJ, từng là quê hương của Malthar Người Vẽ Bản Đồ, vẫn tự hào là nơi có các xưởng đóng tàu tốt nhất trên toàn quần đảo. Ba phần tư những con tàu thiên nga nổi tiếng của dân quần đảo được đóng ở Koj, và Cung Điện Ngọc Trai, nơi trị vì của các Hoàng tử Koj, rất nổi tiếng với bộ sưu tập các biểu đồ và bản đồ.

ABULU, một hòn đảo nhỏ hoang vắng phía đông bắc Walano, trong vòng hơn hai năm nơi đây là quê hương của Nymeria và những người đi theo nàng. Các hoàng tử của quần đảo từ chối cho phép nàng định cư ở những hòn đảo lớn hơn, vì sợ chọc giận Valyria. Vì hầu hết người dân của Nymeria là nữ, Abulu được biết đến với cái tên Đảo Phụ Nữ, một cái tên mà nó vẫn mang cho đến ngày nay. Bệnh tật, đói kém và những vụ bắt bớ nô lệ thường xuyên khiến người Rhoynar bị thiệt hại, cho đến khi cuối cùng Nymeria dẫn mười nghìn con tàu của mình quay trở ra biển để tìm kiếm nơi cư ngụ mới. Tuy nhiên, vài nghìn người từng theo nàng đã chọn ở lại, và hậu duệ của họ vẫn ở trên Đảo Phụ Nữ cho đến ngày nay.

Mặc dù một số các vị thần cả lớn và nhỏ đều được tôn vinh tại Quần Đảo Mùa Hạ, một sự tôn kính đặc biệt được thể hiện với các vị nam thần và nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và khả năng sinh sản. Sự kết hợp của nam và nữ chính là sự hiến dâng cho các vị thần này; Bằng cách cùng nhau thực hiện hành động thờ cúng này, người dân trên đảo tin rằng, nam giới và phụ nữ đều tôn vinh các vị thần đã tạo ra mình. Dù giàu hay nghèo, nam hay nữ, cao quý hay thấp hèn, tất cả cư dân Quần Đảo Mùa Hạ đều sẽ ở một thời gian trong những ngôi đền tình yêu trải dài khắp các hòn đảo, chia sẻ cơ thể của họ với bất kỳ ai muốn mình.

Hầu hết đều phục vụ các vị thần trong thời gian không quá một năm, nhưng những người được coi là đẹp nhất, từ bi nhất và khéo léo nhất thì vẫn tiếp tục. Ở Braavos, họ có thể được gọi là những người sùng đạo, trong khi ở King’s Landing, họ bị coi là gái điếm, nhưng ở Jhala, Walano, Omboru, và các hòn đảo khác, những linh mục và nữ tu sĩ này rất được quý trọng, vì ở đây việc trao tặng thú vui xác thịt được coi là một nghệ thuật đáng được tôn trọng cũng giống như âm nhạc, điêu khắc hoặc khiêu vũ.

Ngày nay, những người dân Quần Đảo Mùa Hạ thường được thấy ở Oldtown và King’s Landing, và những con tàu thiên nga với những cánh buồm như mây cuồn cuộn của họ đi khắp các vùng biển trên thế giới. Những người thủy thủ táo bạo cùng những thuyền trưởng của họ khinh bỉ việc nằm ôm các bờ biển như những người đi biển khác, thay vào đó họ thám hiểm táo bạo qua các vực sâu đại dương, cách xa tầm nhìn của đất liền. Có những bằng chứng nhất định cho thấy các nhà thám hiểm từ Koj có thể đã lập bản đồ các bờ biển phía tây của Sothoryos đến tận cùng thế giới và phát hiện ra những vùng đất lạ cùng những tộc người xa lạ ở phía nam, hoặc băng qua vùng nước vô tận của Biển Hoàng Hôn… nhưng sự thật của những câu chuyện này thì chỉ có các hoàng tử của quần đảo và các thuyền trưởng phục vụ cho họ mới biết được.

Thờ cúng tại ngôi đền tình yêu ở Quần đảo Mùa Hạ

About The Author

Ngo David

Power is Power